Cứ 2 trong số 5 người Mỹ được khảo sát trả lời rằng cảm thấy mệt mỏi gần như trong cả tuần. Ngoài ra, nghiên cứu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy cứ 3 người thì có một bị thiếu ngủ. Theo Men’s Health, 12 lý do dưới đây giải thích một phần tại sao cơ thể bạn luôn trong tình trạng uể oải và khó chịu.
Nệm và gối quá cũ
Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ (NSF) đề xuất bạn thay nệm sau khoảng 9 hoặc 10 năm và gối mỗi năm một lần.
Nhiệt độ phòng ngủ cao
Nhiệt độ lý tưởng cho phòng ngủ là khoảng 18-19 độ C.
Dùng điện thoại quá nhiều
Tiến sĩ Richard L. Hansler từ Đại học John Carroll cho biết tiếp xúc với ánh sáng điện thoại vào buổi tối khiến cơ thể không sản sinh được melatonin hay hormone ngủ. Để ngủ ngon, bạn không nên để điện thoại trong phòng ngủ.
Dùng rượu như một loại thuốc ngủ
Rượu gây ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Ông Hansler phân tích trong vài giờ đầu khi rượu được chuyển hóa, nó tạo ra giấc ngủ nhưng với cơ chế khác giấc ngủ thường bởi không hề có sự chuyển động nhanh của mắt. Do vậy, bạn không nên uống rượu trước khi ngủ.
Uống ít nước
Mất nước tác động đến tâm trạng và năng lượng cơ thể. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng não người sẽ co lại nếu bị thiếu nước. Ngay cả khi thiếu một lượng nước nhỏ, bạn cũng có thể bắt đầu thấy mình chậm chạp hơn.
Thiếu máu
Thiếu sắt, vitamin, mất máu, chảy máu trong hoặc bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, ung thư hoặc suy thận dẫn đến thiếu máu. Khi bị thiếu máu, bạn thường thấy mệt mỏi, kiệt sức, khó ngủ, thiếu tập trung, nhịp tim nhanh, đau ngực và đau đầu.
Cần lưu ý, thiếu máu không phải một căn bệnh nên việc điều trị phụ thuộc vào khả năng tìm ra và xử lý các nguyên nhân dẫn tới những triệu chứng trên. Để điều trị dứt điểm, cần xét nghiệm máu và kiểm tra toàn diện.
Bệnh tuyến giáp
Khi các hormone tuyến giáp không hoạt động đúng cách, các hoạt động thường ngày cũng làm bạn kiệt sức. Cường giáp và suy giáp đều ảnh hưởng tới trao đổi chất trong cơ thể.
Cường giáp khiến người bệnh mệt, nhược cơ, sụt cân, tăng nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, cảm giác khát nước cũng như giảm lượng kinh nguyệt. Còn suy giáp gây mệt mỏi, tăng cân do tích nước, giảm nhiệt độ cơ thể, tăng lượng kinh nguyệt và táo bón. Bệnh có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm máu và được điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc iot phóng xạ.
Tiểu đường
Hơn một triệu người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mỗi năm. Đường hay glucose giúp cơ thể duy trì các hoạt động sống bình thường. Với những người bị tiểu đường tuýp 2, glucose bị tích tụ trong máu dẫn tới mệt mỏi, khát nước, đi tiểu nhiều, đói, sụt cân, hay cáu gắt, nhiễm trùng nấm hoặc suy giảm thị lực.
Muốn biết liệu mình có bị tiểu đường hay không, bạn có thể xét nghiệm glucose lúc đói hoặc xét nghiệm dung nạp đường uống trước và hai tiếng sau khi uống siro glucose. Bác sĩ sẽ tư vấn cách kiểm soát triệu chứng của bệnh thông qua việc điều chỉnh chế độ ăn uống, thuốc hoặc insulin.
Trầm cảm
Nếu không được điều trị, trầm cảm có thể kéo dài hàng tuần tới hàng năm. Thông thường, trầm cảm gây mất năng lượng, thay đổi thói quen sinh hoạt, các vấn đề trí nhớ, tập trung cùng các cảm xúc rất tiêu cực, thậm chí nghĩ đến cái chết.
Không có xét nghiệm máu cho trầm cảm mà bác sĩ nhận diện bệnh thông qua các câu hỏi. Nếu gặp các triệu chứng kể trên từ hai tuần trở lên và cuộc sống bị đảo lộn, bạn nên chủ động đi khám. Hầu hết bệnh nhân trầm cảm đều ghi nhận sự chuyển biến tích cực khi kết hợp giữa liệu pháp tâm lý trò chuyện và sử dụng thuốc.
Mệt mỏi kéo dài
Khi bị mệt mỏi kéo dài, người bệnh rất nhanh mệt ngay cả với những công việc bình thường. Các triệu chứng nổi bật là nhức đầu, đau cơ, khớp, suy nhược, mọc hạch bạch huyết mềm và mất khả năng tập trung. Hội chứng này vẫn còn là một bí ẩn do chưa thể tìm ra nguyên nhân.
Trước khi chẩn đoán, các bác sĩ cần loại trừ các bệnh khác có những triệu chứng tương tự. Bệnh không có thuốc chữa cụ thể mà đòi hỏi tự chăm sóc bản thân, dùng thuốc, trò chuyện trị liệu hay tham gia các nhóm hỗ trợ.
Ngưng thở khi ngủ
Loại rối loạn giấc ngủ này khiến bạn thấy mệt sau khi dậy do não bị đánh thức để khởi động lại quá trình hô hấp. Chứng bệnh trên biểu hiện thông qua ngáy và dẫn tới bệnh tim, cao huyết áp và đột quỵ.
Người bệnh có thể phải đeo một thiết bị trợ khí liên tục để bổ sung không khí khi ngủ. Tùy vào độ nghiêm trọng, bác sĩ có khả năng chỉ định phẫu thuật.
Thiếu vitamin B12
Vitamin B12 rất quan trọng với sức khỏe não bộ, hệ miễn dịch và quá trình trao đổi chất. Tuy nhiên, tuổi già, thuốc tiểu đường, tiêu hóa cùng chế độ ăn nhiều thực vật dễ dẫn tới thiếu vitamin B12.
Thiếu vitamin B12 khiến bạn bạn bị ngứa ở bàn tay, bàn chân, mất trí nhớ, chóng mặt, lo âu và suy giảm thị lực. Bằng việc xét nghiệm máu, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung thực phẩm giàu B12 trong chế độ ăn hoặc dùng riêng vitamin B12.