Thiếu ngủ và mất ngủ lâu dài có thể dẫn đến nhiều rối loạn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hoạt động trí não của con người.
Tuy vậy, chỉ gần đây các nhà khoa học mới bắt đầu hiểu được nguyên nhân vì sao giấc ngủ lại quan trọng như vậy với bộ não. Đó là bởi vì khi chúng ta ngủ, chính là lúc bộ não “dọn dẹp” căn nhà của mình.
Não dọn sạch “rác thải” khi chúng ta ngủ
Ngoài bộ não, phần còn lại của cơ thể đều tiếp xúc với mạch máu của hệ tuần hoàn và mạch bạch huyết của hệ bạch huyết (lymphatic system).
Nếu như mạch máu đem chất dinh dưỡng và oxy đến nuôi các cơ quan và tế bào, thì mạch bạch huyết đóng vai trò thu gom, dọn sạch những chất thải do tế bào tạo ra như acid lactic, amoniac… rồi nhập chung với hệ tuần hoàn để đưa đến xử lý tại thận.
Ngược lại, bộ não có một loại màng đặc biệt, có tên là hàng rào máu não (blood brain barrier).
Hàng rào này tách biệt dòng máu đến não, với dịch não tuỷ (cerebrospinal fluid) – một dung dịch nằm ở màng não và não thất, giữ vai trò đệm, điều hoà, bảo vệ và làm sạch não.
Hàng rào máu não có cấu tạo rất đặc biệt, chỉ cho phép một số phân tử nhỏ như nước, khí, glucose, amino acid, chất béo đi qua.
Bộ não hoàn toàn không có hệ bạch huyết. Chất thải từ các tế bào thần kinh được tiết ra dịch mô kẽ (interstitial fluid) và được thu gom lại ở dịch não tuỷ.
Từ nghiên cứu đầu tiên được công bố trên tạp chí Science năm 2013 và nhiều nghiên cứu tiếp theo sau đó, các nhà khoa học đã tìm thấy và xác định đặc tính và cách thức hoạt động của một hệ thống kênh nhỏ, được đặt tên là hệ bạch huyết g (glymphatic system).
Chữ “g” là vì những kênh nhỏ này thuộc về các tế bào glial, một loại tế bào nằm trong não nhưng không phải là tế bào thần kinh.
Hệ thống này có vai trò như hệ bạch huyết của bộ não, vận chuyển và loại bỏ những chất thải bã và chất độc từ các hoạt động thần kinh.
Hoạt động của hệ thống kênh này cần rất nhiều năng lượng nên hệ thần kinh không thể làm việc này cùng lúc với các hoạt động thần kinh được.
Thay vào đó, các kênh này làm việc tích cực hơn khi hệ thần kinh dừng hoạt động – chính là lúc ngủ.
Mất ngủ mãn tính dễ gây ra bệnh Ahzeimer
Nhóm nghiên cứu thấy rằng khi những chú chuột nghỉ ngơi và ngủ, thì dòng chảy của dịch não tuỷ tăng lên gần 20 lần.
Khi các chú chuột còn thức, dòng chảy dịch não tuỷ chủ yếu ở vỏ não, nhưng khi ngủ thì dòng chảy này đi sâu vào bên trong não.
Việc tăng dòng chảy của dịch não tuỷ giúp não loại bỏ một cách hiệu quả các chất thải bã do hệ thần kinh tạo ra trong quá trình hoạt động, ví dụ như β-amyloid. Người bình thường có β-amyloid dạng hoà tan, không độc và có thể được thải loại.
Nhưng khi lượng β-amyloid này tích tụ quá nhiều thì bắt đầu tạo ra dạng kết tủa (amyloid plague) thường thấy ở người bệnh Alzheimer.
Những quan sát trên cả mô hình chuột và người cho thấy lượng β-amyloid lên xuống tuần tự theo chu kỳ thức và ngủ.
Việc mất ngủ mãn tính làm tăng sự kết tủa của dạng β-amyloid không hoà tan. Những thay đổi về số lượng giờ ngủ và chất lượng giấc ngủ thường là những dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer và thường song hành với sự phát triển của bệnh.
Nếu chúng ta có cuối tuần để nghỉ ngơi, thư giãn, thì bộ não cũng cần thời gian tương tự, đó là giấc ngủ.
Nếu chúng ta ăn ở sạch sẽ, dọn nhà đều đặn thì bộ não cũng làm việc đó hàng ngày khi chúng ta ngủ.
Hãy thử tưởng tượng, bạn không dọn nhà trong 1-2 tháng, thì các thể loại rác sẽ tồn đọng tới mức nào. Bộ não cũng thế. Vậy nên hãy chăm sóc giấc ngủ của mình bằng cách ngủ đủ, ngủ sâu.