“Nhẹ bước lãng du” là tác phẩm được viết dựa trên những tư liệu thực tế do tác giả thu thập, ghi chép từ chuyện đời thực, việc thực sau mỗi chuyến trải nghiệm. Có thể kể đến rượu vang của nước Pháp, mùa anh đào trên đất nước Nhật Bản, đền Apollo của Hi Lạp, chiến thắng Bạch Đằng ở Hải Phòng, trận Xoài Mút – Rạch Gầm ở Mỹ Tho… Đặc biệt, toàn bộ hình ảnh sử dụng trong tác phẩm đều được in màu rất bắt mắt, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
Tác phẩm được xuất bản vào năm 2011. Trong lần tái bản này, tác giả có bổ sung thêm nhiều bài viết như: Kỳ tuyệt Ba Đại nghệ nhân thời Phục Hưng, dòng sông Nga trên đất Mỹ, nơi cùng trời cuối đất quê hương, theo các dòng sông ra biển… để tạo nên một “Nhẹ bước lãng du” thêm đậm tình, dày dặn chất liệu.
“Cuốn sách chính là dấu ấn mà tôi chắt lọc qua những chuyến đi, từ những lần đi dự hội nghị chuyên khoa về lĩnh vực ung thư hay những chuyến đi chơi, tôi đều viết, tuy không ghi chép lại được tất cả. Nhưng mục đích chính của tôi là viết để lưu trữ kho tàng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của nhân loại để các thế hệ sau hiểu và biết tôn vinh những giá trị quý báu đó. Tôi mong muốn, thay vì các cháu lạm dụng internet để xem nước này có gì? địa danh này như thế nào? thì đọc cuốn sách các cháu sẽ cảm nhận và hình dung rõ nét hơn về tất cả” – GS BS Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ.
Tác phẩm gồm 56 bài viết đã được tác giả in trên các báo, gói gọn trong hơn 400 trang sách, ghi nhận những chuyến viếng thăm của tác giả ở các nước phương Tây, phương Đông và cuối cùng là kết thúc ở chốn quê nhà. Lần giở từng trang sách, người đọc sẽ bắt gặp ở vị giáo sư tài hoa sự lạc quan, dí dỏm, tình cảm khi ông thuật lại nhiều câu chuyện “tai nghe, mắt thấy”, sự cảm nhận sâu sắc về những vùng đất trên thế giới ông từng đặt chân đến.
Tại buổi giao lưu, ông luôn nhắc nhiều về những dòng sông. “Tuổi thơ tôi lớn lên bên cạnh Thủ Thừa, con kênh nối sông Vàm cỏ Tây với Vàm cỏ Đông, biết bao kỷ niệm. Con sông quê nhà luôn luôn ở trong lòng tôi. Đến tuổi học trò, tôi lại ngày hai buổi theo bờ sông Tiền tới lớp, thế mà đến tuổi bảy mươi mới được dịp trở lại thăm chiến tích lẫy lừng Rạch Gầm – Xoài Mút. Tất cả những dòng sông ấy hằn sâu trong tiềm thức tôi từ khi còn là đứa trẻ cho đến bây giờ. Và tới đâu tôi cùng tìm đến với sông, tìm tới tận đầu nguồn chảy để cùng bồi hồi, hoài niệm và suy gẫm về cuộc đời”.
GS-BS Nguyễn Chấn Hùng cũng nhắn nhủ với những bạn trẻ: “Sống trong thời đại ngày hôm nay, mỗi người trong chúng ta đều được hưởng những điều kiện tốt nhất để học hỏi, tìm hiểu về văn hóa dân tộc mình. Muốn đi tới đâu là tới thì sao ta không đi, không học?”.