Bạn là người may mắn nếu tìm được “đối tác” tâm đầu ý hợp, đồng lòng trong nhiều chuyện. Nhưng nếu hai bạn có cá tính, cách suy nghĩ không mấy tương đồng khi tranh cãi, cách các bạn xử sự trong những cuộc tranh luận sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong diễn biến sức khỏe và tuổi thọ của cả 2, theo một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Journal of Psychosomatic.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Arizona (Mỹ) đã khảo sát 192 cặp vợ chồng trong suốt 32 năm, đánh giá chi tiết các bệnh tật nảy sinh để tính toán ra tỉ lệ tử vong sớm của từng người.
Kết quả cho thấy sau 32 năm, nguy cơ tử vong sớm do các vấn đề sức khỏe hiện tại của các cặp vợ chồng có xu hướng bình tĩnh tranh luận về mọi vấn đề là 24% ở nam giới và 18% ở phụ nữ, là nhóm có nguy cơ chết sớm thấp nhất và nguy cơ này chủ yếu đến từ các căn bệnh do tuổi tác hoặc lối sống.
Với các cặp nóng tính cả đôi, nguy cơ chết sớm ở nam giới tăng lên gần gấp rưỡi, đến 35%, trong khi nguy cơ ở phụ nữ không gia tăng.
Nhưng nếu như trong cuộc hôn nhân đó, người này đóng vai trò đàn áp còn người kia cam chịu, nguy cơ chết sớm của cả 2 có thể tăng gấp đôi, trong đó đàn ông, rất tiếc, luôn “thiệt thòi” nhất.
Cụ thể, nếu người đàn ông đàn áp và người phụ nữ cam chịu, chính anh ta sẽ là người có nguy cơ chết sớm cao nhất: 51%; trong khi nguy cơ ở người vợ là 36%. Còn trong với một phụ nữ có tính đàn áp và một quý ông sợ vợ, nguy cơ chết sớm của anh ta là 49%, còn người vợ sẽ là 28%.
Nhà tâm lý học Kyle Bourassa, người đứng đầu nghiên cứu cho biết việc 1 người luôn gay gắt, 1 người luôn nhẫn nhịn có thể dẫn đến căng thẳng hàng ngày cho cả 2. Stress từ lâu đã được chứng minh là nguyên nhân tâm lý có thể dẫn đến nhiều bệnh tật về tinh thần lẫn thực thể, gây tổn hại cho sức khỏe dài hạn.
Theo ông Bourassa, kết quả này có thể là tin tốt cho những cặp ưa khẩu chiến. Trớ trêu thay, trong trường hợp không thực sự hợp nhau, đây lại là cách để bạn có thể tận hưởng thêm nhiều năm bên nhau. Sự ức chế được cho là gây tổn hại sức khỏe còn hơn sự tức giận.