Nếu bạn là một người nghiện đường thì bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống của mình ngay để ngăn không gây hại trực tiếp tới các cơ quan trong cơ thể. Hầu hết, mọi người thường không quá quan tâm đến lượng đường in trên nhãn thực phẩm mà mình mua. Và kết quả là cơ thể vô tình thu nạp nhiều đường vượt quá mức cho phép trong ngày. Tuy nhiên, chỉ cần áp dụng một số nguyên tắc sau sẽ giúp bạn giảm bớt được lượng đường tiêu thụ trong các bữa ăn hàng ngày.
Ăn trái cây tươi thay vì uống nước ép trái cây
Trong trái cây có chứa nhiều chất xơ và vitamin nên giúp tăng cường nguồn năng lượng trong cơ thể để thúc đẩy bạn hoạt động hiệu quả hơn. Dù vậy, bạn cần chú ý ăn trái cây tươi thay vì uống nước ép trái cây. Bởi trong nước ép trái cây thường chứa nhiều đường và không mang lại đủ chất xơ như khi bạn ăn trực tiếp. Do đó, hãy chọn những loại trái cây ít đường và rửa sạch rồi gọt bỏ vỏ để thu nạp nguồn chất xơ cũng như vitamin dồi dào hơn.
Đọc kỹ thành phần dinh dưỡng in trên mỗi bao bì
Nếu hay la cà trong siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi để mua đồ ăn vặt thì bạn nên chú ý tới thành phần dinh dưỡng in trên mỗi sản phẩm. Kể cả nó có ghi nhãn là “tốt cho sức khỏe” thì bạn vẫn nên quan tâm đến hàm lượng đường in trên đó. Nếu thấy hàm lượng chất xơ thu nạp được thấp hơn hàm lượng đường thì rõ ràng đây không phải là loại thực phẩm lành mạnh và chỉ khiến bạn dễ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì.
Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
Thay vì chỉ ăn 3 bữa/ngày, bạn có thể chia thành 6 bữa nhỏ để cung cấp đủ năng lượng làm việc xuyên suốt cả ngày. Điều này vừa giúp bạn tránh khỏi cảm giác thèm đồ ngọt trong ngày, vừa tiết chế được lượng đường mình đã tiêu thụ và giúp cơ thể no lâu hơn.
Vận động thường xuyên
Việc hoạt động nhiều trong ngày sẽ giúp bạn giảm cân và lấy lại vóc dáng như ý muốn. Đồng thời, thói quen này cũng giúp cân bằng lượng insulin trong cơ thể, từ đó góp phần kiểm soát lượng đường huyết bên trong hiệu quả.
Trong quá trình vận động, lượng đường trong máu cũng được phân bổ nhiều cho các hoạt động co duỗi cơ bắp nên phần nào sẽ giúp giảm lượng đường dư thừa trong cơ thể.
Uống nước lọc thay vì nước ngọt
Nước ngọt không những gây béo phì mà còn khiến hàm răng của bạn dần bị ố, hỏng. Thay vì uống nhiều nước ngọt, bạn nên hình thành thói quen uống nhiều nước lọc. Mỗi ngày, cơ thể của chúng ta cần từ 2 – 2,5 lít nước nên nếu bạn không uống đủ nước thì rất dễ sinh ra cảm giác khát, khiến cơ thể uể oải và muốn nạp đường vào cơ thể.