Nhưng thực tế tập thể dục thật nhiều không giúp bạn giảm cân.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Đan Mạch đã thực hiện một thí nghiệm rất đơn giản. Họ tuyển dụng một nhóm thanh thiếu niên thừa cân, chia họ ra làm 2 nhóm. Tất cả được yêu cầu tập thể dục liên tục, chạy hoặc đạp xe 6 ngày/tuần trong suốt 13 tuần.
Tuy nhiên, cường độ tập của 2 nhóm là khác nhau. Nhóm thứ nhất chỉ 30 phút mỗi ngày, trong khoảng thời gian đó, ứng viên đốt cháy khoảng 300 kcal. Nhóm thứ hai tập luyện ở cường độ gấp đôi, đốt khoảng 600 kcal mỗi lần.
Bạn có thể đoán rằng nhóm thứ 2 sẽ giảm nhiều cân hơn nhóm 1. Nhưng kết quả bất ngờ: Cả 2 nhóm giảm được số lượng cân giống hệt nhau.
Tại sao điều này có thể xảy ra?
Đầu tiên cần cân nhắc tới tác động của một buổi tập luyện với cảm giác thèm ăn. Tập thể dục kích thích bạn thèm ăn, tập nhiều thì bạn cũng có xu hướng ăn nhiều hơn, để bù cho lượng calo bạn đốt cháy.
Nghiên cứu cho thấy một số người luôn ăn nhiều calo hơn lượng họ đốt được trong quá trình tập luyện. Ngược lại, một số người ăn ít hơn.
Đối với những người tập thể dục mà vẫn tăng cân, có thể họ thuộc vào nhóm 1. Trong nhóm này, có một hiện tượng được gọi là “cấp phép đạo đức”, ám chỉ những người tập thể dục để cho phép mình ăn nhiều hơn.
Họ nghĩ rằng bởi mình đã tập luyện nhiều, mình cũng đáng được ăn nhiều hơn. Kết quả là tập thể dục không những không giúp họ giảm cân, mà còn gây hiệu ứng ngược lại.
Bởi vậy, đừng nghĩ bạn có thể chỉ đơn giản tới phòng tập gym để đốt cháy chất béo, trừ khi bạn có thể quản lý tất cả các khía cạnh của bài toán cân bằng năng lượng. Lượng chất béo đốt cháy được nhờ vào tập luyện không phải là cách duy nhất cũng như tốt nhất để đánh giá hiệu quả của nó.
Hãy tìm cách tập luyện lấy chất lượng thay vì số lượng. Điều đó sẽ góp phần giúp bạn có một sức khỏe tốt hơn.