Ung thư gan giai đoạn sớm ít có triệu chứng nên thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi đã có biến chứng. Ở giai đoạn sớm người bệnh thường có cảm giác: chán ăn, đau, nặng tức vùng hạ sườn phải (HSP), trướng bụng, vàng da, củng mạc mắt,…
Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh: sụt cân; buồn nôn; vàng da; củng mạc mắt; đi ngoài phân trắng, bạc màu…..
Tuy nhiên để xác định rõ để phát hiện sớm ung thư gan, bác sĩ sẽ chỉ định:
Xét nghiệm máu: Alpha – fetoprotein (AFP), có thể tăng lên ở 70% bệnh nhân ung thư gan nhưng cũng có thể bình thường. Khi AFP tăng cao là dấu hiệu nghi ngờ lớn với ung thư gan. Tuy nhiên, AFP có thể tăng trong xơ gan và viêm gan mạn. Ngoài AFP, xét nghiệm khác cũng có thể được dùng để phát hiện ung thư gan là DCP (Des – gamma – carboxyprothrombin) hay còn gọi là PIVKA – II cũng có độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán ung thư gan.
Chẩn đoán hình ảnh: Chụp cắt lớp vi tính đa dãy có tiêm thuốc cản quang hoặc cộng hưởng từ (MRI) có dùng thuốc đối quang từ có thể được chỉ định để đánh giá động học của u gan. Các phương pháp này cho phép đánh giá tương đối chính xác tính chất của u gan cũng như số lượng, vị trí, liên quan của u gan với các thành phần quan trọng khác trong gan (mạch máu, đường mật). Ngoài ra còn giúp đánh giá tình trạng di căn tại gan, ngoài gan của ung thư gan. Tuy nhiên với các tổn thương kích thước nhỏ (< 1cm) thường khó đánh giá tính chất.
Sinh thiết gan: không cần thiết trong mọi trường hợp đặc biệt là khi các dấu ấn miễn dịch và chẩn đoán hình ảnh là rõ ràng cho việc chẩn đoán ung thư gan. Do đó sinh thiết gan chỉ nên chỉ định khi thật sự cần thiết bởi việc sinh thiết cũng có những rủi ro nhất định: nhiễm trùng, chảy máu, gieo rắc tế bào ung thư theo đường đi của kim sinh thiết (1 – 3% trường hợp). Nếu sinh thiết dương tính sẽ cho chẩn đoán xác định ung thư gan. Nếu sinh thiết âm tính sẽ khuyến cáo thăm khám lại bằng chẩn đoán hình ảnh, thậm chí sinh thiết lại sau khoảng thời gian 2 – 3 tháng.
Điều trị ung thư gan là điều trị đa mô thức, việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư gan phải phụ thuộc vào mức độ lan rộng của tổn thương và tình trạng xơ gan, các phương pháp điều trị ung thư gan phổ biến bao gồm: phẫu thuật, ghép gan, phá hủy u tại chỗ, nút hóa chất động mạch gan, xạ trị, hóa trị hay điều trị nhắm trúng đích ….
Để phòng chống ung thư gan, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp sau:
+ Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên mỗi 6 tháng/lần bằng siêu âm, xét nghiệm máu,… để phát hiện sớm các tổn thương gan, đặc biệt ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao của ung thư gan: viêm gan virus B, C, xơ gan,…
+ Tiêm phòng đầy đủ vacxin phòng viêm gan B.
+ Hạn chế hoặc bỏ bia, rượu, thuốc lá, đặc biệt đối với những bệnh nhân có xơ gan, viêm gan virus.
+ Không dùng thuốc bừa bãi, đặc biệt thuốc chưa rõ nguồn gốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Hầu hết các thuốc đều chuyển hóa qua gan, việc lạm dụng thuốc có thể gây suy giảm chức năng gan nhất là những bệnh nhân đã có bệnh gan mạn tính và đây là nguy cơ cao cho ung thư gan.
+ Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan.