Những ngày gần đây, từ Facebook ra đến quán cà phê, từ hội chị em còn độc thân đến nhóm các bà mẹ bỉm sữa, đi đâu chúng ta cũng được nghe những lời bàn luận sôi nổi về Ngạn, về Hà Lan, hay nói chung là về “Mắt biếc” của Victor Vũ và Nguyễn Nhật Ánh.
Chẳng khó để tìm ra những dòng review, những lời bình luận của độc giả về bộ phim này với hashtag #Matbiec. Hầu hết, mọi người đều mãn nhãn và rung cảm với câu chuyện tình tréo ngoe, đẫm nước mắt của Ngạn – Hà Lan.
Dẫu vậy, chắc hẳn nhiều người vẫn cảm thấy Hà Lan không chọn Ngạn là đúng lắm.
Cái “đúng” này khiến tôi chợt nhớ đến Tom trong 500 days of Summer. Hai bộ phim có vẻ chẳng chung motif, nhưng có một cái chung ở cả 2 diễn biến của những anh đàn ông tan vỡ cuộc tình với người phụ nữ ngỡ như là định mệnh.
Rõ ràng, sự tử tế không dẫn đến tình yêu, âu cũng có nguyên do cả.
Bản năng luôn mách bảo đàn ông phải che chở, bảo vệ cho người phụ nữ của mình và hầu hết, đàn ông không chối từ điều đó. Thế nhưng, không phải ai cũng biết nên làm sao cho đúng.
Trong “Mắt biếc”, Ngạn năm lần bảy lượt chọn nắm đấm và những cuộc đánh lộn để bảo vệ Hà Lan. Khi còn bé, Ngạn chịu hai trận đòn để thể hiện khả năng che chở của mình, một trận từ lũ dám bắt nạt Hà Lan và một trận từ cha. Lúc lớn lên, khi biết Dũng làm nàng thơ của mình tổn thương, Ngạn cũng tìm hắn ta và gây gổ để rồi thứ anh nhận về là vẻ te tua, thảm hại.
Trong 500 days of Summer, nhân vật nam chính – Tom cũng tung nắm đấm khiến cái gã dám mời rượu Summer trong quán bar chảy máu mồm. Sau này, trong những group bình luận phim ảnh, cảnh phim đó từng khiến nhiều người xem bật ra một lời chửi thề. Rõ ràng, Tom có thể hành xử một cách lịch sự hơn: Tiến lại và nhẹ nhàng nói rằng “Cô ấy là bạn gái của tôi!”.
Đàn ông trưởng thành khác những cậu con nít ở chỗ nào? Chính là sự điềm tĩnh, chứ đâu phải lúc nào cũng lăm le dùng cú đấm và sự to tiếng để giải quyết mâu thuẫn. Chưa kể, nói đi nói lại, Ngạn cũng chỉ là một cậu bạn thân, đâu có tư cách gì để can thiệp vào chuyện riêng tư của Hà Lan và Dũng.
Và cả cái gã tà lưa Summer trong quán bar cũng đâu có sai bởi anh ta nào biết Tom là ai!
Tôi còn nhớ từng có một lời bình luận như thế này về cú đấm của Tom: “Thứ Tom muốn bảo vệ và chứng minh là sự hiếu thắng của mình chứ không phải Summer. Chẳng người phụ nữ nào tự hào khi người yêu cô ta dùng vũ lực để giải quyết vấn đề cả!”
Lời nhận xét này có lẽ cũng không sai nếu dành nó cho Ngạn trong “Mắt biếc”. Cú đấm mà Ngạn dành cho Dũng, có bao nhiêu phần là vì thương Hà Lan, và bao nhiêu phần là vì ẩn ức của một kẻ thất tình, chỉ có Ngạn mới biết!
Những người đã từng xem 500 days of Summer chắc hẳn không thể quên một sự thật rằng Tom chưa từng nghiêm túc tỏ tình hoặc nói yêu Summer. Thứ anh làm luôn chỉ là việc tự vấn “Tại sao cô ta lại đùa giỡn và gạt đi tình cảm chân thật của tôi như thế?”.
Đàn ông có thể không cần phải ngày ngày tua đi tua lại điệp khúc “anh yêu em” để chứng minh tình cảm của mình. Thế nhưng, nếu không một lần khẳng định điều đó, phụ nữ có thiết tha đến đâu cũng khó lòng có thể tin rằng anh ấy đang yêu mình.
Không giống như Tom, Ngạn chí ít cũng đã bày tỏ lòng mình. Nhưng có tình yêu rồi, Ngạn không biết giữ. Trong khi Hà Lan là cô gái thực tế, sống cho hiện tại và biết lo cho tương lai, thì Ngạn vẫn mơ mộng, chìm đắm trong quá khứ và tin vào viễn cảnh “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”.
Ở Ngạn, Hà Lan không tìm được một dấu hiệu nào về sự an toàn cho cuộc sống, dù là tinh thần hay vật chất. Nhưng với Dũng, thì khác. Một tay chơi có tiền, có tài, và có cả sự quyến rũ từ vẻ từng trải, phiêu lưu chết người mà bất cứ cô gái nào cũng mê đắm.
Chẳng phải tự nhiên phụ nữ lại thích trai hư, nguyện sống chết bước vào cuộc tình với trai hư dù trong lòng có linh cảm thấy một kết cục toàn nước mắt. Vì khi yêu trai hư, phụ nữ được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc và nhất là trai hư tinh tế, hiểu lòng phụ nữ.
Ở bên Dũng, Hà Lan được nhảy đầm, được vui chơi, được khóc rồi được cười. Chợt nghĩ, nếu ở bên Ngạn, Hà Lan không phải chịu khổ đau, nhưng cũng chẳng có những giây phút được sống thật với bản ngã, với cá tính của mình.
Vậy đấy, yêu trai hư có thể sẽ chẳng có một kết cục hạnh phúc, nhưng chí ít, mỗi khoảnh khắc bên nhau đều đáng giá và đầy cảm xúc lẫn trải nghiệm. Còn yêu trai ngoan, mãi vẫn chưa thấy bến đỗ của cuộc đời mình ở đâu, nhất là lại với một chàng trai vừa ngoan, vừa mơ mộng thiếu thực tế như Ngạn.
Thà một lần phiêu lưu mạo hiểm mà biết trước kết cục, còn hơn cả đời mãi mò mẫm vô vọng trong không gian chẳng biết sẽ dẫn mình đến đâu. Suy cho cùng, ở con người, dù là phụ nữ hay đàn ông cũng đều tồn tại một sự thực tế nhất định.
Có lẽ chính vì thế mà Hà Lan dù tan nát sau cuộc tình với Dũng, vẫn nhất quyết nuôi con một mình và chấp nhận qua lại với nhiều người đàn ông khác chứ không về bên Ngạn.
Cuối cùng, với những chân tình mà Ngạn cho là cao cả, Hà Lan vẫn không chọn Ngạn.
Cuối cùng, dù yêu Summer thật lòng, Tom vẫn không giữ được cô.
Vậy đấy, tình yêu của những gã trai ngoan đôi khi khiến phụ nữ hoảng sợ, hoảng sợ bởi sự nhạt nhẽo, mơ hồ. Yêu trai hư, có thể phụ nữ cũng vẫn hoảng sợ thôi, vì ai chẳng biết trai hư dễ thay lòng đổi dạ.
Nhưng chí ít, hoảng sợ trong sự hưng phấn và vui vẻ cũng vẫn tốt hơn là hoảng sợ trong hoang mang, nhàm chán.
Giờ thì đàn ông hiểu rồi chứ, về lý do tại sao phụ nữ thà chọn trai hư để đau khổ, còn hơn sự an toàn trong vòng tay trai ngoan?