Chạy bộ mang lại nhiều lợi ích như cải thiện sức khỏe tim mạch, tâm trạng… Tuy nhiên, môn thể thao cũng có thể gây thương tích cho khớp, bao gồm cả hông.
Hông là vùng khớp nối giữa đầu xương đùi và vùng lõm của xương chậu, có một lớp sụn nằm giữa vùng khớp, dây chằn kết nối giữa xương chậu, xương đùi. Các triệu chứng đau hông bao gồm: đau ở vùng khớp nối liền giữa chân, thân, đau vùng dưới của mông, phần trên của mặt sau đùi.
Đau hông khiến người chạy kém linh hoạt, dẫn đến căng thẳng, chấn thương. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến của đau hông do chạy, theo Healthline.
Căng cơ, viêm gân
Căng cơ và viêm gân xảy ra khi cơ bắp ở hông bị lạm dụng. Bạn có thể cảm thấy đau, đau, cứng ở hông, đặc biệt là khi bạn chạy hoặc uốn cong hông.
Viêm gân xảy ra khi cơ hông sâu bị hoạt động quá mức, kéo theo một sợi gân dính vào xương chậu, khiến gân bị viêm. Điều này xảy ra chủ yếu khi bạn tăng độ dài đoạn đường, tốc độ, chạy trên vùng đồi.
Điều trị căng cơ và viêm gân bằng cách nghỉ ngơi, dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) theo chỉ dẫn. Trường hợp nghiêm trọng có thể yêu cầu vật lý trị liệu.
Hội chứng ITBS (hội chứng đau dải cơ)
Đây là khái niệm chỉ dải cơ kéo dài từ hông đến đầu gối (mặt phía ngoài) của mỗi chân, dải này dày lên ở phần trục cúi (đầu gối) mỗi chân. Trong quá trình tập luyện, nếu băng bó quá chật, hoặc vận động quá mức, cường độ cao, lâu, dải cơ IT) này có thể cà quá mức vào xương đùi hoặc xương chậu bên trong trục cúi (đầu gối) dẫn đến bị sưng, viêm, gây đau.
Viêm bao hoạt dịch khớp
Một trong những nguyên nhân chính gây đau hông là viêm bao hoạt dịch, đó là tình trạng viêm của các túi hoạt dịch (bursa). Đây là những túi chứa đầy chất lỏng này tìm thấy khắp cơ thể, đóng vai trò như miếng đệm giữa xương và các mô mềm như cơ, gân, da.
Các chuyển động lặp đi lặp lại thường xuyên, chẳng hạn như chạy, gây áp lực lên túi bursa, khiến chúng bị đau và viêm gây sưng, đỏ và kích ứng.
Để điều trị, bạn hãy nghỉ ngơi, chườm đá vùng bị ảnh hưởng nhiều lần mỗi ngày và uống thuốc kháng viêm không Steroid. Bạn có thể gặp một nhà trị liệu vật lý hoặc tự mình thực hiện một số bài tập hông, làm nóng cơ thể trước khi bạn chạy, thực hiện một số loại hình rèn luyện sức mạnh cho hông. Bạn tìm đến chuyên gia y tế khi cảm thấy khó khăn khi cử động hông, bị sốt hoặc đau dữ dội, sưng tấy, đỏ, bầm tím…
Viêm xương khớp
Viêm xương khớp hông có thể gây đau dai dẳng ở người chạy bộ, phổ biến hơn ở các vận động viên lớn tuổi. Viêm xương khớp làm cho sụn ở khớp hông bị vỡ, tách ra và trở nên giòn.
Đôi khi các mảnh sụn có thể tách, vỡ ra bên trong khớp hông. Mất sụn dẫn đến ít đệm xương hông, gây ra đau, viêm. Vì vậy, ngăn ngừa và điều trị viêm xương khớp là điều quan trọng. Một chế độ ăn đủ dinh dưỡng, hỗ trợ chống viêm cùng với thuốc sẽ hữu ích trong việc giảm đau, thúc đẩy sự linh hoạt. Một số trường hợp có thể yêu cầu vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
Kỹ thuật chạy không đúng
Trước khi chạy, bạn không khởi động hoặc khởi động không kỹ phần cơ hông cũng là nguyên nhân dễ gây ra tình trạng đau, do phần cơ này làm việc quá sức. Tư thế chạy bộ không đúng khiến phần hông chịu áp lực, dễ gây đau nhức phần cơ hông, cơ bụng.
Bạn cải thiện sự linh hoạt của hông bằng cách thực hiện các động tác uốn cong hông, duỗi gân kheo và xương chậu, tăng cường sức mạnh cho cơ có liên quan đến khớp hông thông qua bài tập như squats và lunge. Người chạy phát triển sức mạnh tổng thể của cơ bắp để cải thiện sự ổn định, cân bằng cho cơ thể, duy trì chế độ ăn uống đầy đủ vitamin, khoáng chất.