Nếu chỉ số này trong khoảng từ 18,5 – 22,9 là bình thường, dưới 18,5 là gầy, từ 23 trở lên là thừa cân, từ 23 – 24,9 là tiền béo phì, từ 25 – 29,9 là béo phì độ 1, từ 30 trở lên là béo phì độ 2.
BMI đạt chuẩn là nền tảng vững chắc cho sức khỏe của một người ở hiện tại và tương lai, là cơ sở cho một sức khỏe hoàn hảo, cơ thể có đủ năng lượng để duy trì mọi hoạt động hằng ngày và một thể lực vững chắc trước các biến cố của thời tiết, khí hậu, tuổi tác và ít nguy cơ mắc bệnh.
Khi cân nặng không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Nếu cân nặng thấp thì thể trạng gầy yếu, dễ bị mệt mỏi khi làm việc, học tập nhanh uể oải, sức sáng tạo và sức chịu đựng kém, cơ thể còi cọc, thấp bé, mất tự tin, thiếu lạc quan, dễ bị trầm cảm, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Nếu cân nặng vượt quá mức cho phép thường gọi là thừa cân béo phì (TCBP) cũng gây nhiều hệ lụy. Những người TCBP khả năng làm việc, lao động cũng sẽ bị hạn chế, trẻ TCBP dễ bị tai nạn.
Người TCBP có nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, sỏi mật, tổn thương xương khớp, biến dạng xương… Người TCBP còn có nguy cơ vô sinh (liên quan đến nội tiết tố), chưa kể người TCBP thường hay tự ti, thậm chí trở nên tự kỷ.