Tôi quen vợ trên mạng xã hội, cả hai chúng tôi cùng tranh luận trong một “status” của một người bạn chung. Tôi khá ấn tượng với ảnh đại diện và cái tên Ái Vân của cô ấy nên vào trang cá nhân để tìm hiểu.
Facebook phần nào thể hiện tính cách của chủ nhân, càng tìm hiểu tôi càng bị thu hút bởi hình ảnh êm đềm, hiểu biết và dịu dàng của Vân.
Cần phải khẳng định ngay là vợ tôi không đẹp, dung mạo chỉ dừng lại ở mức trung bình, dáng người gầy và có làn da khỏe mạnh. Tôi đặc biệt ấn tượng ảnh với nụ cười buồn thật khó quên. Theo dõi qua hình ảnh Facebook tôi đã thích, nên ngay lập tức kết bạn, tìm cách tiếp cận và cưa đổ cô ấy.
Lúc yêu nhau, tôi thấy mình thật may mắn khi có một người yêu hiểu biết, có gu ăn mặc, và tinh tế. Hai chúng tôi nói chuyện rất ăn ý, nhu cầu giải trí cũng khá giống nhau, đi chơi rất hợp ý.
Tuy nhiên có một vấn đề nhỏ nhỏ là từ khi ra trường, Vân chỉ đi làm công ty một thời gian ngắn rồi cảm thấy không phù hợp nên nghỉ, về sau đó việc làm bấp bênh và cũng không xác định được thế mạnh của bản thân là gì để tập trung phát triển khả năng.
Yêu nhau được vài tháng, Vân dọn về sống chung với tôi. Tôi thấy việc không đi làm của cô ấy cũng không phải là vấn đề gì to tát. Một mình tôi đi làm vẫn có thể lo được cho hai đứa có một đời sống tốt.
Nhưng rồi Vân có thai, cô ấy hoang mang bởi chưa sẵn sàng để có con. Tôi thì thấy sinh con là một việc tốt, tôi vẫn có thể nuôi mẹ con cô ấy. Vân sẽ chỉ việc toàn tâm toàn ý chăm sóc con thôi. Tôi thuyết phục Vân, cô ấy bằng lòng, chúng tôi cưới nhau và chuẩn bị đón đứa con đầu lòng.
Sinh con xong, mẹ vợ lên phụ trông cháu, vợ chồng tôi còn thuê một người giúp việc, nhưng vợ tôi vẫn mắc chứng trầm cảm. Cô ấy luôn có cảm giác bất an về tương lai của cả gia đình, vì chúng tôi chưa có nhà riêng và chỉ có mình tôi đi làm nên cô ấy lo lắng, cảm thấy bản thân vô dụng. Tuy lo cho tương lai gia đình, nhưng cô ấy không ngưng tiêu pha phung phí vào mỹ phẩm hàng hiệu đắt tiền, mua sắm online quần áo, phụ kiện cho con để đầy tủ. Ban đầu tôi nghĩ việc mua sắm sẽ khiến vợ cải thiện tâm trạng nên không ngăn cản.
Nhưng khi đưa vợ đi khám tâm lý, bác sĩ nói Vân bị chứng trầm cảm sau sinh, tôi cần phải quan tâm trò chuyện, ở bên càng hai mẹ con nhiều hơn để giúp cô ấy vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tôi tạm thời nghỉ việc đưa vợ con đi du lịch 2 tuần ở một nơi thật đẹp, yên bình, mang theo cả người giúp việc để vợ thảnh thơi, thoải mái, không phải trông con. Sau đó, Vân muốn tham gia khóa thiền, khoá học về tâm lý, học những khóa tìm kiếm bản thân… dù tốn rất nhiều tiền tôi cũng không tiếc, dù tôi không phải là người có quá nhiều tiền.
Tôi nhiều lần hỏi vợ có mong muốn gì, có điều gì không hài lòng hay không, thì cô ấy trả lời không biết. Tôi gợi ý hay là hai vợ chồng mở cái gì đó để buôn bán, vợ đồng ý nhưng với điều kiện mở ra rồi thuê người làm chứ cô ấy không muốn động tay động chân.
Sau mấy tháng giúp chúng tôi, mẹ vợ về quê, ngoài cô giúp việc và chồng ra, vợ tôi không tiếp xúc với ai cả. Thằng bé con rất ngoan, ngoài những nhu cầu cơ bản như bú, ẵm bồng, vệ sinh thì lúc nào con cũng cười toe, nhưng Vân thường có những hành động kì lạ.
Có nhiều khi con khóc đòi bế bồng, cô ấy mặc con khóc đến khản giọng. Có hôm người giúp việc về quê, tôi phải đi chợ nấu cơm và dọn dẹp nhà cửa, người phụ trách việc trông con là vợ, thế nhưng cô ấy lại không quan tâm đến con, say sưa ngồi chơi điện thoại. Thằng bé 8 tháng đòi mẹ cỡ nào, cô ấy vẫn mặc kệ. Khi tôi thấy con khóc quá mới nhắc vợ chơi với con thì cô ấy bồng con ra bỏ ngoài hành lang chung cư rồi vào phòng đóng của lại tiếp tục chơi điện thoại.
Hành động này khiến tôi rất sốc. Cuối cùng, tôi tự hỏi vợ tôi bị trầm cảm sau sinh hay cô ấy đích thực là một người sống vô trách nhiệm, nghiện mạng xã hội và chỉ muốn ngồi im, ăn sẵn và chỉ muốn sống như một bà hoàng chứ không muốn lao động hay chăm sóc ai, dù đó có là con mình đẻ ra.