Lịch sử điện ảnh của một giai đoạn, một dân tộc không chỉ được tái hiện qua những bộ phim (mặc dù đây có vẻ là phần quan trọng nhất), mà còn qua lời kể của những người trong cuộc: nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên, người quan sát và phê bình, khán giả,…Điện ảnh Việt Nam rất cần những ghi chép như thế.
Theo PGS.TS. Trần Lê Hoa Tranh – Giám đốc Trung tâm TVHN&PTNNL, Trưởng ban Chương trình Café Học thuật Nhân văn: “Mục đích tổ chức nhắm tới việc tổ chức chuyên đề, chủ đề sinh hoạt phù hợp với nhu cầu nâng cao kiến thức sinh viên về lĩnh vực văn học, văn hóa nghệ thuật. Tạo không gian học thuật, giao lưu giữa giảng viên, học viên và sinh viên. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong sinh viên. Phát huy và nâng cao tinh thần và tư duy phản biện trong sinh viên.”
Vì vậy, cuộc trò chuyện của Café Học thuật Nhân văn kỳ này hướng đến việc lắng nghe và chia sẻ giữa khán giả hôm nay và diễn viên, đạo diễn Hồng Ánh cùng nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm. Đi từ những côt mốc xa xưa của điện ảnh Việt đến ngày nay, hai diễn giả đã đưa chúng ta đi qua những thăng trầm vinh hoa của điện ảnh hai miền Nam Bắc, lời kể (có clip kèm theo) của diễn viên Kim Cương về thời kỳ vàng son của điện ảnh, những câu chuyện chỉ có người trong nghề mới biết mà cực kỳ thú vị của diễn viên, đạo diễn Hồng Ánh, những gian truân để một bộ phim ra đời,…
Buổi trò chuyện thú vị hơn nữa khi cử tọa liên tục có những câu hỏi như việc kiểm duyệt phim ảnh trước và sau 1975 có gì đặc biệt? Vì sao những bài hát trong các bộ phim trước đây nổi tiếng hơn cả bộ phim mà nó “ký sinh” vào? Là một diễn viên khi đóng những cảnh phim làm khán giả xúc động thì cảm xúc khi diễn phải thế nào? Có sự kỳ thị nào giữa đạo diễn nam và đạo diễn nữ không? vì sao hiện tượng remake phim ngày nay nhiều như vậy? (có lẽ còn nhiều câu hỏi nữa nhưng mình không ghi chép kịp)…
Những câu hỏi rất thông minh và tạo sự hứng thú cho diễn giả khi trả lời. Rõ ràng mặc dù điều kiện tổ chức không tốt lắm nhưng về trí tuệ và sức tập trung của “fan” Café học thuật Nhân văn thì quả thật không nơi nào bì kịp. Cả khán phòng hầu như không một ai về sớm.
Hồng Ánh đã chia sẻ những câu chuyện làm phim hết sức sống động và thú vị. Ví dụ việc kiểm duyệt một tác phẩm điện ảnh không phải chỉ đến từ hội đồng kiểm duyệt mà còn từ nhà sản xuất, hay bản thân diễn viên khi đóng phim. Khi đóng Trăng nơi đáy giếng, có đoạn mà diễn viên nam kiên quyết không chấp nhận vì cho rằng không đúng với văn hoá miền Trung, còn đạo diễn thì tin rằng cảnh đó sẽ làm mạnh thêm tư tưởng của bộ phim.
“Hết chỗ ngồi” chắc đã trở thành “đặc sản” của Cafe Học thuật Nhân văn vì mấy số gần đây liên tiếp bị “quá tải”. Phòng D307 có sức chứa 80 sau khi bỏ bớt bàn ra thêm ghế vào được khoảng 150 nhưng vẫn tiếp tục có thêm người đến và phải đứng ngồi ngoài hành lang. Thật sự BTC đã suy nghĩ đến nhiều phương án, trong đó có việc khóa đăng ký. Nhưng vì nghĩ đây là một chương trình phục vụ cộng đồng, nhiều bạn biết tin muộn, hoặc có người đăng ký nhưng không đến, nên không dám khóa link đăng ký sớm. Số người đăng ký kỳ này lên đến khoảng 260 người nhưng sức chứa chỉ khoảng 150 hay hơn một chút. Đây quả thật là con số quá lý tưởng cho một cuộc trò chuyện, workshop quy mô như Cafe Học thuật. Vì quả thật giữa một thành phố năng động như Sài Gòn, những workshop mở liên tục, đa dạng, từ việc mất phí tham dự đến miễn phí cũng rất là nhiều thì việc giữ chân một lượng lớn fan của chương trình là điều làm cho ê kíp rất phấn khởi vì là sự bảo chứng cho chất lượng chương trình. Vì thế mặc dù mệt, cả nhóm đều rất vui.
Tại chương trình Café Học thuật Nhân Văn tháng 11.2020 này, các bạn sinh viên lắng nghe Hồng Ánh chia sẻ những câu chuyện làm phim hết sức sống động và thú vị. Ví dụ như việc kiểm duyệt một tác phẩm điện ảnh không phải chỉ đến từ hội đồng kiểm duyệt mà còn từ nhà sản xuất, hay bản thân diễn viên khi đóng phim. Khi đóng Trăng nơi đáy giếng, có đoạn mà diễn viên nam kiên quyết không chấp nhận vì cho rằng không đúng với văn hoá miền Trung, còn đạo diễn thì tin rằng cảnh đó sẽ làm mạnh thêm tư tưởng của bộ phim….
“Điện ảnh Việt Nam hơn lúc nào hết cần những kịch bản của người Việt, nhưng trong lúc thiếu kịch bản, remake phim nước ngoài là một giải pháp. Vấn đề là khán giả nhìn thấy ngôn ngữ, trang phục, văn hoá Việt qua các bộ phim làm lại đó hay không. Nên mặc dù phim remake rất nhiều nhưng chỉ vài phim thành công thôI, Hồng Ánh chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, Lê Hồng Lâm cũng chia sẻ thêm nhiều tình huống thú vị về nền điện ảnh nước nhà. Ví như điện ảnh miền Nam trước 1975 cũng có hiện tượng remake và cũng từng bị báo chí thời đó lên án là mất bản sắc văn hoá dân tộc, chạy theo văn hoá ngoại lai (chứ không phải remake bây giờ mới có).
Sau Café Học thuật Nhân Văn, giới trẻ đam mê nghệ thuật sẽ tiếp tục được tham gia các buổi chuyên đề với chủ đề đẹp và hấp dẫn không kém, đó là “Kịch nói phía Nam: Vàng son một thuở”. Tất cả các buổi chuyên đề mở này đều góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong sinh viên. Phát huy và nâng cao tinh thần và tư duy phản biện trong sinh viên.
CHƯƠNG TRÌNH CAFÉ HỌC THUẬT NHÂN VĂN LÀ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC VỤ SINH VIÊN, PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG CỦA TRƯỜNG ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM VÀ DO TRUNG TÂM TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC PHỤ TRÁCH TỔ CHỨC
Ban tổ chức Cà phê học thuật nhân văn:
– PGS.TS. Trần Lê Hoa Tranh – Giám đốc Trung tâm TVHN&PTNNL, Trưởng ban
– TS. Võ Danh Hải – Báo Thể thao Việt Nam, Phó ban
– Ông Nguyễn Xuân Quang – chuyên viên Trung tâm TVHN&PTNNL, Thành viên
– Bà Hồ Cẩm Nhung – chuyên viên Trung tâm TVHN&PTNNL, Thành viên
– Ông Huỳnh Duy Quốc Sử – chuyên viên Trung tâm TVHN&PTNNL, Thành viên