Vào mùa đông, bắp cải là một trong những loại rau “quốc dân” mọi gia đình đều yêu thích. Thời tiết càng lạnh, bắp cải càng cuộn chặt, ăn càng giòn, ngọt. Không chỉ là một loại rau ăn, bắp cải còn đem nhiều tác dụng với sức khỏe.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, bắp cải cung cấp rất nhiều dinh dưỡng mà một người cần trong ngày để hoạt động, phát triển, nâng cao miễn dịch, đó là: Canxi, phốt pho, sắt, carotene, protein, carbohydrate, vitamin và một lượng lớn chất xơ.
Trong Đông y, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết: Bắp cải vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng hòa huyết, thanh nhiệt, thanh phế, trừ đàm thấp, sinh tân, chỉ khát, mát dạ dày, giải độc, lợi tiểu.
Đông y còn sử dụng bắp cải để chữa bệnh giảm đau nhức xương khớp bằng cách uống nước ép bắp cải, dùng bã đắp vào chỗ đau nhức. Chữa ho nhiều đờm bằng cách uống nước sắc từ 80-100 bắp cải, nửa lít nước, thêm mật ong…
Bắp cải dễ mua, giá thành rẻ, ăn giòn tan ngon miệng lại có rất nhiều công dụng với cơ thể là lý do ai cũng rất yêu thích loại rau này trong mùa đông. Tuy nhiên không phải ai cũng nên sử dụng loại rau này.
Dưới đây là nhóm người cần cân nhắc kỹ trước khi ăn rau bắp cải.
1. Bệnh nhân bướu cổ
Bắp cải là một loại rau chứa nhiều dinh dưỡng, trong đó chứa cả goitrin – một chất có tác dụng chống ôxy hóa nhưng lại có thể gây bướu cổ. Chính vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia y tế là người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không nên ăn bắp cải vì nếu không sẽ làm tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra.
Nếu vẫn muốn ăn, nhóm người này chỉ ăn bắp cải số lượng nhỏ. Nên ngâm rửa từng và thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến để goitrin bị phân hủy hết.
2. Người tạng hàn
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, rau bắp cải vốn là thực phẩm tính hàn nên nếu những người có thể trạng yếu, thường xuyên cảm thấy lạnh bụng khi ăn đồ lạnh nên hạn chế ăn bắp cải kẻo khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu. Để khắc phục, có thể luộc hoặc xào bắp cải với một chút gừng để tăng cảm giác ấm.
3. Người hệ tiêu hóa kém
Ưu điểm của bắp cải là chứa nhiều chất xơ, hỗ trợ nhuận tràng, ngừa táo bón… Tuy nhiên người đang tiêu chảy nếu ăn nhiều loại rau này có thể khiến tình trạng thêm trầm trọng, khó điều trị hơn.
Ngoài ra, rau bắp cải dễ sinh khí, có thể gây đầy bụng nếu ăn sống vì vậy những người bị đau dạ dày, hay bị chướng bụng, đầy hơi nên hạn chế ăn bắp cải sống, tốt nhất nên làm chín trước khi ăn.
4. Người bị dị ứng, xuất huyết dưới kết mạc
Việc sử dụng rau bắp cải nhiều khi đang bị dị ứng, xuất huyết dưới kết mạc có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là dưa cải muối, có thể gây ngứa ngáy, chảy nước mắt, nước mũi.
5. Người bị bệnh thận
Theo nghiên cứu, bắp cải là loại rau chứa khá nhiều axit oxalic. Khi được tiêu thụ quá nhiều, lượng axit oxalic này có thể kết hợp với các chất dinh dưỡng cần thiết bên trong cơ thể như canxi, mangiê, sắt, kali… tạo thành các muối oxalat.
Oxalat calci có thể lắng đọng ở thận, có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi ở thận, gây ra sỏi thận. Chính vì vậy những người đang bị suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo không nên dùng bắp cải. Người có tiền sử sỏi thận nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng ăn bắp cải phù hợp.
Với người khỏe mạnh, khi ăn bắp cải nên cắt nhỏ và nấu kỹ để giảm thiểu lượng axit oxalic trong loại rau này.
6. Người bị bệnh dạ dày không ăn bắp cải sống
Ăn bắp cải sống, dưa cải muối dễ sinh đầy bụng, đặc biệt có hại đối với những người bị đau dạ dày. Vì vậy, cách tốt nhất đối với người đau dạ dày là phải nấu chín bắp cải trước khi ăn.