Trùng Khánh trải rộng trên diện tích 82.300 km2, nằm tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Theo kết quả của cuộc điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 của Trung Quốc được công bố hồi tháng 5/2021, Trùng Khánh có khoảng 32 triệu dân. Con số này đã tăng 11,12% trong vòng hơn một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, theo những gì William A. Callahan, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, đã viết trong cuốn sách “Giấc mơ Trung Hoa” xuất bản năm 2015 của mình thì nếu chỉ nhìn vào dân số sẽ không phản ánh được toàn cảnh bức tranh phát triển của thành phố này. Trong số 32 triệu dân kể trên, chỉ có khoảng 15,4 triệu người sống ở thành phố, chiếm 30% tổng số dân. Số còn lại hiện tập trung ở những vùng nông thôn lân cận.
Theo báo cáo năm 2018, của Bộ Kinh tế và Xã hội Liên Hợp quốc, Một “siêu đô thị” được hiểu là nơi tập trung đông dân cư với ít nhất là 10 triệu dân và có tốc độ đô thị hóa cao. Tuy nhiên, con số chính xác về các “siêu đô thị” hiện nay ở Trung Quốc còn gây nhiều tranh cãi.
Một số nguồn cho rằng, Trung Quốc hiện chỉ có 6 siêu đô thị. Trong khi CNN và Bloomberg cho rằng quốc gia tỷ dân này hiện có tới hơn 10 siêu đô thị, bao gồm cả Trùng Khánh.
Thành phố này có số dân nhiều hơn tổng số dân của ba thành phố lớn nhất nước Mỹ cộng lại là New York (8,6 triệu người), Los Angeles (4 triệu người) và Chicago (2,6 triệu người)
Những đặc điểm nổi bật của “siêu đô thị” Trùng Khánh
Với những dự án đô thị hóa lớn, cảnh quan của Trùng Khánh đã thay đổi chóng mặt trong những năm qua. Từ trung tâm thành phố tới các vùng nông nghiệp xung quanh đều đang được hiện đại hóa.
Du khách và người dân địa phương đều tỏ ra bất ngờ với những công trình kiến trúc, tòa nhà chọc trời đầy màu sắc đang dần hiện hữu với tần suất dày đặc tại thành phố này.
Một trong những điểm đặc biệt của thành phố này là hệ thống đường xá, với hơn 10 triệu km đường nhựa kết nối với các vùng còn lại của Trung Quốc. Trùng Khánh cũng có đến 3 sân bay, trong đó sân bay Chongqing Wushan đón khoảng 45 triệu lượt khách vào năm 2019.
Dù có quy mô khổng lồ nhưng Trùng Khánh lại là một thành phố tương đối mới và chỉ phát triển từ năm 1997 tới nay.
Ban đầu, dân cư chủ yếu tập trung trong các thung lũng nằm len lỏi giữa những ngọn núi, đường phố ở đây cũng rất dốc khiến họ không thể đi xe đạp.
Tuy nhiên, hiện nay Trùng Khánh là một trong những thành phố trọng điểm của nền kinh tế Trung Quốc. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, “siêu đô thị” này đã tạo ra khoảng 2,78 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 438 tỷ USD) trong năm 2020 với những ngành công nghiệp thế mạnh như sản xuất máy tính, thiết bị điện tử và ô tô.
Theo báo iChongqing, Trùng Khánh là nơi đặt trụ sở của 14 trong số 500 công ty lớn nhất của Trung Quốc cũng như văn phòng đại diện của nhiều công ty Mỹ như Deloitte hay Apple.
Trùng Khánh cũng là nơi được mệnh danh là “thành phố tương lai” của Trung Quốc, với dãy tòa nhà chọc trời dài nhất thế giới.
Tòa nhà Raffles City được coi là một trong những biểu tượng của thành phố này
Được thiết kế bởi Moshe Safdie, tòa nhà Raffles City (hình trên) là một trong những công trình kiến trúc nổi bật của thành phố.
Tuy nhiên, các quận vùng ven như Yuzhong lại gây ấn tượng với những thửa ruộng bậc thang bát ngát.
Theo dữ liệu của CEIC, ngành trồng trọt của các vùng nông thông ở Trùng Khánh rất phát triển. Sản lượng mía vẫn tăng đều hàng năm.
Nhưng Trùng Khánh gặp vấn đề về chất lượng không khí do quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng. Nơi đây còn được mệnh danh là “thành phố sương mù”, đặc biệt vào mùa đông.
Trong những năm gần đây, thành phố thu hút sự chú ý của người dùng các nền tảng xã hội. Trong đó, video quay cảnh taxi xếp hàng ở sân bay đạt hơn 3,5 triệu lượt xem.
Trùng Khánh cũng có nền ẩm thực đa dạng và được mệnh danh “thành phố lẩu”, nơi món lẩu cay mala Tứ Xuyên ra đời. Theo CNN, thành phố này có hơn 30.000 nhà hàng lẩu hoạt động.
Năm 2019, một nhà hàng ở thành phố này đã lập kỷ lục Guinness khi làm ra nồi lẩu lớn nhất thế giới với 2 tấn gia vị, 200 kg hạt tiêu và 500 kg ớt.
Hiệu sách Zhongshuge có thiết kế như trong phim viễn tưởng, khiến cộng đồng quốc tế trầm trồ khi mở cửa vào năm 2020. Rộng 3.344 mét vuông, nơi này giống như “mê cung” dành cho những người yêu sách.
Không chỉ vậy, thành phố còn có một công viên giải trí khá kỳ lạ, không dành cho người yếu tim. Dựa trên một truyền thuyết, hai bức tượng khổng lồ nâng một đài quan sát không có ghế ngồi hay đai an toàn. Hai bức tượng này còn xoay và gặp nhau cho một nụ hôn giữa không trung.