Trải qua vô vàn thay đổi và cải tổ, ngành công nghiệp thời trang vẫn cởi mở đón nhận những người mẫu gầy, thậm chí siêu gầy, sải bước trong các show diễn xa xỉ.

nguoi mau gay tro lai anh 1

Đối với người mẫu Anh Charli Howard, sự trở lại của xu hướng thời trang những năm 1990 trên sàn diễn mùa trước không mang lại cảm giác hoài niệm. Trái lại, điều đó gióng lên hồi chuông báo động.

Cô nói: “Không chỉ váy áo, những người mẫu siêu gầy gắn liền với thời đại năm xưa đã và đang càn quét làng mốt. Phụ nữ phải chịu quá nhiều áp lực để gầy, giảm cân mới được coi là đẹp”.

Jordan Daniels, người mẫu gốc Nam Phi, bày tỏ lo lắng về những gì đang diễn ra. Cô và đồng nghiệp sợ phải ép cân khắc nghiệt lần nữa, vì hiện giờ, họ không sở hữu thân hình size 0 đủ chuẩn để các nhà mốt cân nhắc.

Mẫu ngoại cỡ bị thờ ơ

Theo Tagwalk, số lượng người mẫu mid-size (cỡ trung) và plus-size (ngoại cỡ) trình diễn trang phục nữ giảm 24% so với mùa trước. Chỉ 68 thương hiệu chọn người mẫu của một trong hai nhóm, giảm so với con số 90 thương hiệu vào mùa trước.

Sự thiếu đa dạng về kích cỡ càng đáng chú ý khi nhắc đến các thương hiệu xa xỉ. New York Times chỉ ra rằng Saint Laurent, Louis Vuitton, Gucci, Prada và Moschino hoàn toàn không chọn mẫu plus-size hoặc mid-size.

Trong khi, Michael Kors, Dolce & Gabbana và Alexander McQueen nằm trong số hãng chỉ yêu thích một người mẫu plus-size hoặc mid-size, và Chanel là thương hiệu xa xỉ duy nhất có ba người mẫu thuộc nhóm này.

nguoi mau gay tro lai anh 2

Người mẫu gầy trình diễn trong show giới thiệu BTS mùa Xuân 2023 của Saint Laurent. Ảnh: Vogue.

Gầy luôn là mốt. Nhưng giá trị văn hóa và lý tưởng về cái đẹp đang thay đổi đã thúc đẩy loạt thương hiệu đa dạng hóa việc tuyển người mẫu runway và trong các chiến dịch quảng cáo, thương mại.

Vài năm gần đây chứng kiến ​​sự gia tăng nhanh chóng của người mẫu plus-size và mid-size, nổi bật nhất phải kể đến Paloma Elsesser, Jill Kortleve và Precious Lee – bộ ba từng xuất hiện trên trang bìa của Vogue Anh số tháng 4/2023, cùng tiêu đề “The New Supers”.

Thực tế, nhu cầu về quần áo đa dạng kích cỡ đang ở mức cao. Thị trường thời trang ngoại cỡ được định giá 276 tỷ USD vào năm 2022, con số này dự kiến tăng lên 288 tỷ đô USD vào năm nay, theo công ty nghiên cứu thị trường Future Market Insights.

Tuy nhiên, tại địa hạt thời trang xa xỉ, cụm từ “gầy gò” tiếp tục thống trị.

Jane Belfry – nhà sáng lập và giám đốc công ty quản lý người mẫu Btwn Mgmt – nhận định các thương hiệu xa xỉ không muốn tốn thời gian cho việc bổ sung trang phục, phụ kiện có kích thước khác nhau trong cùng bộ sưu tập.

Khi sắp diễn ra tuần lễ thời trang, họ không muốn tự “làm khổ” mình nên chỉ chấp nhận mẫu size 12-14, mặc dù 2/3 phụ nữ Mỹ mặc trang phục cỡ trên 14.

“Sự thiếu tiến bộ dẫn đến phân biệt chủng tộc và kỳ thị phụ nữ – đó là cách ngành công nghiệp này luôn vận hành, coi cơ thể phụ nữ như xu hướng, chẳng khác nào sản phẩm thương mại được tiếp thị và bán”, Emma Matell, Giám đốc tuyển chọn người mẫu ở London, phát biểu.

Emma Matell nhấn mạnh thêm: “Thương hiệu xa xỉ được xây dựng trên sự độc quyền. Họ chỉ coi trọng con gái da trắng, gầy guộc và giàu có”.

Sự thiếu vắng nhóm người mẫu plus-size và mid-size chứng minh nhận định của chuyên gia là đúng, rằng “cam kết của ngành đối với sự tích cực cơ thể chỉ là chủ nghĩa tượng trưng”.

Anna Shillinglaw chung suy nghĩ này. Nhà sáng lập công ty quản lý người mẫu Milk Management nói: “Tôi từng kỳ vọng ngành không coi những cô gái sở hữu đường cong theo chuẩn thông thường là xu hướng. Nhưng thật đáng thất vọng, thực tế khác suy nghĩ của tôi”.

Dừng cổ xúy cách ép cân độc hại

Chia sẻ trên South China Morning Post, giới chuyên gia giải thích việc tiêu chuẩn hóa kích thước mẫu, thường dừng ở size 2 của Mỹ, buộc giám đốc casting phải thuê nhóm người mẫu có số đo chuẩn mực.

Cuộc đấu tranh hướng tới đa dạng hóa kích thước người mẫu diễn ra liên tục. Năm 2020, Shit Model Management tiến hành cuộc thăm dò ý kiến ​​4.000 người mẫu, 65% trong số họ tuyên bố mắc chứng rối loạn ăn uống vì phải ép cân nhanh tới mức cực đoan.

Giám đốc casting William Lhoest chia sẻ: “Tôi muốn trao quyền cho những người tôi tuyển chọn. Họ sẽ có cơ hội sải bước trong show thời trang”. Theo Vogue Business, Lhoest vừa đảm nhận vai trò tuyển mẫu diễn BTS Thu Đông của Ester Manas – buổi trình diễn quy mô nhất tại Paris Fashion Week 2023, với 75% người mẫu plus-size hoặc mid-size.

nguoi mau gay tro lai anh 6

Người mẫu ngoại cỡ sải bước trong show Thu Đông 2023 của Ester Manas, tại Tuần lễ thời trang Paris. Ảnh: Kendam.

Đồng ý rằng quy trình sản xuất đồ, phụ kiện cho một cỡ mẫu duy nhất vừa hiệu quả, lại tiết kiệm chi phí. Sản xuất trang phục cho người mẫu plus-size đòi hỏi nhiều vải hơn, gây khó cho các nhà thiết kế mới nổi vì họ có vốn ngân sách không cao.

Tuy nhiên, các thương hiệu xa xỉ không cần lúc nào cũng áp dụng chiến lược kinh doanh kiểu này, Emma Matell nhận định.

“Quần áo là tất cả với họ”, Matell nói. “Trách nhiệm thuộc về CEO của những hãng thời trang khổng lồ với rất nhiều tiền. Họ dễ dàng tạo ra hàng loạt chiến dịch tiếp thị tiêu tốn triệu USD, nhưng sau đó cố tình chọn không chi tiền cho việc phát triển quy mô toàn diện”.

Tôn sùng thân hình mảnh khảnh là vấn đề nhức nhối trong ngành thời trang. Mở rộng ra, nó thúc đẩy cho nền văn hóa gầy guộc độc hại hơn, thông qua chế độ ăn kiêng cực đoan. Thực tế, nhiều người nổi tiếng đã bị chỉ trích vì cổ xúy phương pháp ép cân thiếu khoa học.

Kim Kardashian từng loại carbs và đường khỏi chế độ ăn để giảm 7 kg trong 3 tuần, với mục đích mặc vừa bộ váy huyền thoại của Marilyn Monroe trên Met Gala 2022, là ví dụ điển hình cho xu hướng độc hại này.

Nichola Ludlam-Raine – chuyên gia dinh dưỡng của Mỹ – chỉ ra: “Giảm cân như Kim sẽ khiến cơ thể mất nước và glycogen dự trữ từ gan và cơ bắp. Đối với mỗi gram carbs chúng ta ăn vào, cơ thể sẽ giữ được từ ba đến bốn gram nước (không giống protein và chất béo). Chế độ ăn kiêng không carbs thường khiến mọi người nghĩ rằng họ đã giảm được chất béo, nhưng nó thực sự chủ yếu là nước”.

Ngoài chế độ ăn bị cho là bỏ đói cơ thể, Kardashian hứng chỉ trích khi mặc đồ xông hơi và chạy bộ trên máy hai lần mỗi ngày để khiến cơ thể đổ mồ hôi, mất nước nhiều hơn.

Mới năm ngoái, hơn 5 triệu đơn thuốc giảm cân Ozempic, Wegovy và các loại thuốc khác được tiêu thụ mạnh, tăng so với chỉ 230.000 đơn vào năm 2019, công ty theo dõi dữ liệu chăm sóc sức khỏe Komodo Health cho biết. Mức tăng này tương đương 2.000%.

Nhà văn kiêm biên tập viên Tyler McCall đưa ra kết luận trên South China Morning Post: “Chúng tôi dành 10 năm định hình lại cách chúng ta nói về cân nặng, nhưng hiện nay vẫn có nhiều người suy nghĩ lệch lạc do phương tiện truyền thông tuyên truyền sai cách. Một tạp chí nổi tiếng không thể đăng câu chuyện về 20 cách giảm 5 kg/ngày. Thay vào đó, họ nên viết bài cung cấp kiến thức về sức khỏe đường ruột”.

Theo Quốc Minh (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link