Sữa tắm hay xà phòng đều có tác dụng loại bỏ bụi bẩn và tế bào da chết khỏi cơ thể. Nhưng liệu hai loại sản phẩm này có tốt ngang nhau trong việc chăm sóc làn da?

Ngày xưa, mọi người hầu như chỉ tắm bằng nước cùng với một vật giúp kỳ cọ ghét bẩn trên cơ thể như miếng xơ mướp, khăn… Sau đó, xà phòng xuất hiện và được sử dụng vào việc làm sạch cơ thể. Sau thế hệ xà phòng bánh, các sản phẩm xà phòng lỏng với công thức ngày càng “thân thiện” hơn với cơ thể xuất hiện, như sữa tắm, gel tắm, dầu gội đầu…

Việc bổ sung các mùi hương vào các loại xà phòng, sữa tắm giúp chúng không chỉ đơn thuần là sản phẩm vệ sinh mà còn có tác dụng thư giãn, lưu lại mùi hương trên cơ thể để tăng sự quyến rũ, gợi cảm. Tuy nhiên, dùng xà phòng hay sữa tắm khi tắm tốt hơn vẫn là băn khoăn của rất nhiều người.

Dùng xà phòng hay sữa tắm khi tắm tốt hơn?

Nhiều người cho rằng xà phòng và sữa tắm không có gì khác biệt bởi đều có tác dụng làm sạch da, sử dụng sản phẩm nào là do thói quen, sở thích. Thế nhưng, trên thực tế, xà phòng và sữa tắm có sự khác biệt.

tam rua anh 1
Dùng xà phòng hay sữa tắm khi tắm tốt hơn? Điều này tuỳ thuộc vào nhu cầu, tình trạng da và sở thích của bạn. Ảnh: Pearl Chemist Group.

Trên trang Realsimple, tiến sỹ y khoa Ilyse Lefkowicz, bác sỹ da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai, Mỹ, cho biết sự khác biệt chính giữa xà phòng và sữa tắm là ở cách chúng tương tác với da. “Cả xà phòng và sữa tắm đều có tác dụng làm sạch. Tuy nhiên, một số loại xà phòng có thể mạnh hơn sữa tắm, có thể loại bỏ các lipid và protein thiết yếu hoặc làm thay đổi độ pH của da, có thể gây kích ứng da”, bà nói.

Xà phòng có tác dụng làm sạch tốt, khi tắm xong, bạn sẽ cảm thấy sảng khoái. Tuy nhiên, nó có tính kiềm cao, những người có làn da dị ứng nên hạn chế sử dụng. Khi mua xà phòng, tốt nhất bạn nên chọn loại có gốc glycerin vì thành phần đơn giản và không dễ hư hỏng.

Xà phòng có thể được chia thành xà phòng có tính kiềm, axit và trung tính. Xà phòng kiềm có tính tẩy rửa mạnh, thích hợp với người có làn da dầu. Xà phòng trung tính ít gây kích ứng da, phù hợp với người có làn da trung tính và khô. Còn xà phòng axit tẩy rửa kém hơn nhưng có tác dụng chăm sóc da nhất định, thích hợp cho trẻ em.

“Những người có làn da nhờn, những người sống ở nơi nóng và ẩm hoặc những người đang tìm kiếm một sản phẩm rửa sạch sâu, chẳng hạn sau khi tập luyện nên sử dụng xà phòng tắm như một cách nhanh chóng và dễ dàng để làm sạch”, TS Lefkowicz khuyên. Còn sữa tắm không chỉ đơn thuần làm sạch da mà còn đem lại cảm giác mát lạnh, sảng khoái, dưỡng ẩm và làm mịn da, vì thế được nhiều người lựa chọn.

Khả năng làm sạch của sữa tắm yếu hơn xà phòng nhưng hiệu quả dưỡng da lại tốt hơn rất nhiều. Việc sử đụng sữa tắm lâu dài có thể dưỡng ẩm và làm sáng da. Ngoài ra, hầu hết loại sữa tắm đều dịu nhẹ và không gây kích ứng, có thể sử dụng được cho cả da khô và da dầu.

“Sữa tắm có độ đặc giống như gel và thường có nồng độ hương thơm cao. Sữa tắm có xu hướng dưỡng ẩm nhiều hơn, điều này thật sự hữu ích trong thời tiết khắc nghiệt và lạnh. Chúng giúp tránh làm mất đi độ ẩm khỏi da và tránh làm tổn thương cho da.

Sữa tắm có thể vệ sinh hơn xà phòng, bởi vì vi khuẩn có thể sống trên các bánh xà phòng và tồn tại ở đó, lan từ người này sang người khác. Để tránh tích tụ vi khuẩn, hãy luôn rửa sạch bánh xà phòng sau khi sử dụng, để ráo nước và khô hoàn toàn. Còn với sữa tắm, việc tránh tích tụ vi khuẩn sẽ dễ dàng hơn phần ở trong bình không chạm vào da”, TS Lefkowicz nói.

tam rua anh 2
Những người có làn da dầu nên sử dụng xà phòng để tắm. Ảnh: The Body Shop UAE.

Vậy dùng xà phòng hay sữa tắm khi tắm tốt hơn? Điều này tuỳ thuộc vào nhu cầu, tình trạng da và sở thích của bạn. Nhìn chung, xà phòng phù hợp với người có làn da dầu; còn những người có làn da bình thường, khô hoặc nhạy cảm thì nên chọn sữa tắm.

Những lưu ý khi tắm

Để việc tắm rửa được an toàn và tốt cho làn da, sức khỏe, bạn cần lưu ý:

– Không nên tắm ngay sau khi tập thể dục: Sau khi ngừng tập luyện, lưu lượng máu và nhịp tim sẽ tiếp tục cao trong một thời gian. Nếu bạn tắm nước lạnh ngay sau khi tập thể dục, các mạch máu sẽ co lại, không những cơ thể khó tản nhiệt mà sức cản tuần hoàn máu còn tăng, không có lợi cho cơ thể.

Việc tắm nước nóng ngay sau khi tập thể dục sẽ làm tăng lưu lượng máu đến da, khiến lượng máu cung cấp cho tim và não không đủ, dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt và suy nhược nói chung.

Tốt nhất, bạn nên nghỉ ngơi 30-45 phút rồi mới tắm nước ấm trong vòng 5-10 phút. Nhiệt độ nước khoảng 40 độ C; vào mùa hè, bạn có thể hạ nhiệt độ nước nhưng không nên thấp hơn 35 độ C.

– Đừng tắm quá thường xuyên: Không phải tắm càng nhiều lần càng tốt. Việc tắm quá nhiều sẽ loại bỏ vi khuẩn có lợi trên bề mặt da, làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn, virus ngoại lai của cơ thể, tăng nguy cơ nhiễm trùng, lấy đi lượng dầu dùng để dưỡng ẩm trên da, phá hủy sự cân bằng nước – dầu và gây khô da. Khi thời tiết nóng bức, bạn có thể tắm hơn một lần mỗi ngày nhưng nếu có thể thì hạn chế dùng sữa tắm, xà phòng.

– Tránh chà xát mạnh mỗi lần tắm: Chất nhờn do da tiết ra có thể ngăn chặn sự thoát hơi nước, giúp duy trì độ ẩm và độ đàn hồi của da. Việc bạn chà xát quá mạnh khi tắm sẽ khiến bề mặt da mất đi nhiều bã nhờn, bị bong tróc, khô và ngứa.

– Khi sử dụng sữa tắm trong bồn tắm, bạn nên tập trung vào những vùng tiết nhiều dầu hơn như ngực, lưng, nách. Những vùng này cần được làm sạch kỹ càng. Đối với những vùng ít tiết dầu như bắp chân, cẳng tay thì chỉ cần thoa nhẹ. Cần lưu ý, phụ nữ không nên sử dụng dung dịch tắm cho vùng kín để tránh phá hủy môi trường axit ở đây. Nên sử dụng dung dịch chăm sóc dành riêng cho vùng kín.

Dù bạn sử dụng xà phòng hay sữa tắm, tốt nhất nên giữ bọt trên da 1-3 phút, sau đó rửa sạch bằng nước.

Theo znews – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link