Hầu hết những người làm mẹ lần đầu đều gặp khó khăn trong việc cho con bú, đặc biệt là những trường hợp bé từ chối bú mà mẹ vẫn không hiểu tại sao. Mẹ cần biết được lý do tại sao bé chê sữa mẹ, từ đó có những điều chỉnh, thay đổi phù hợp, để “công cuộc” nuôi con bằng sữa mẹ thành công.
Có thật là bé từ chối bú mẹ?
Có những khi bé không chịu bú không hẳn là do bé ghét sữa mẹ mà do bé gặp khó khăn nên không thể bú. Mỗi bé một tính, có những bé rất dễ trong việc ăn uống, bé chỉ cần bú no là thỏa mãn, nhưng có những bé lại phải mất thời gian để làm quen với bầu sữa mẹ, thậm chí vừa bú vừa tỏ ra cáu kỉnh.
Nhiều trường hợp bé tỏ ra hào hứng bú trong 1-2 tháng đầu, sau đó bỗng nhiên bé bú mẹ ít đi mà mẹ không hiểu tại sao. Mẹ càng lo lắng khi không biết bé bú đủ no chưa. Nếu bé bú xong mà mẹ cảm thấy ngực mình nhẹ đi, tức là bé đã bú hết sữa, ngược lại nếu ngực vẫn căng tức, thì khả năng lượng sữa bé bú không nhiều.
Ngực mẹ căng sữa
Ngực mẹ sẽ căng tức khó chịu nếu lâu không cho bé bú hoặc khi bé ngủ xuyên đêm không ăn sữa. Đây là hiện tượng bình thường và nó sẽ tự điều chỉnh để phù hợp với thói quen ăn uống thay đổi của bé. Nếu ngực vẫn căng tức và bé từ chối bú, mẹ có thể vắt ra bình cho bé uống. Vắt sữa sẽ giúp ngực bớt căng tức, kích thích tuyến sữa sản xuất, tránh được nguy cơ tắc tia sữa.
Cho bé ăn theo nhu cầu của bé
Cho bé bú khi bé đói và tùy thuộc vào nhu cầu của bé. Sẽ rất khó ấn định thời gian cho mỗi cữ bú của bé vì bé chỉ sẵn sàng bú khi nào bé muốn. Nếu mẹ cứ ép bé phải bú, tất nhiên bé sẽ từ chối vì bé đang no hoặc chưa muốn bú.
Tăng cường da tiếp da giữa hai mẹ con
Phương pháp da tiếp da giúp tăng sự gắn kết tình cảm giữa mẹ con, không những thế nó còn giúp mẹ giải tỏa lo lắng và tức giận mỗi lần bé từ chối không bú. Đặt bé nằm gọn trên ngực mẹ sẽ nhắc bé nhớ đến hơi ấm của mẹ và nơi nuôi dưỡng bé.
Sữa xuống quá nhiều
Bé từ chối bú thậm chí sợ khóc thét mỗi lần bú mẹ có thể do sữa mẹ xuống quá nhiều, bé bú không kịp thậm chí sặc sữa. Trong trường hợp này, trước khi cho bé bú, mẹ có thể vắt bớt sữa ở hai bầu vú ra, để lượng sữa xuống đều đều và từ từ khi bé bú.
Bé đang trải qua tuần biến đổi
Từ tháng thứ 3 – 6, một số bé bắt đầu trở nên khó tính hơn bình thường do đang trải qua thời kỳ biến đổi. Tâm lý của bé phức tạp hơn, trở nên khó tính, cáu kỉnh dẫn đến việc lười bú mẹ. Mẹ có thể khắc phục tình trạng này bằng cách cho bé bú trong phòng tối và yên lặng, cho bé bú khi ngủ hoặc vừa mới thức giấc cũng giúp cải thiện tâm trạng bé.
Từ tháng thứ 3 – 6, một số bé bắt đầu trở nên khó tính hơn bình thường do đang trải qua thời kỳ biến đổi. |
Bé thích bình sữa hơn
Một số bé thích bú bình hơn bú mẹ do sữa ở bình xuống đều hơn, bé mút nhẹ là đã có sữa chứ không vất vả khi bú mẹ (đối với những mẹ ít sữa). Một số bé nếu quen bú bình cũng dễ có xu hướng từ chối bú mẹ. Để khắc phục khó khăn này, mẹ hãy thường xuyên ôm ấp bé, tăng cường da tiếp da, khi bé bú nhìn vào mắt bé và cưng nựng bé, bé sẽ thay đổi đấy.
Thử tư thế cho bú khác
Bé có thể từ chối bú do mẹ thay đổi tư thế cho bú khác với mọi ngày. Mẹ thử đổi lại tư thế ban đầu vì có thể bé chưa quen với tư thế mới.
Mẹ cũng chú ý để bé được thoải mái khi bú, khi ôm bé vào lòng không nên gò bụng bé, bé sẽ khó chịu và từ chối bú.
Do thời tiết
Thời tiết quá nóng cũng khiến bé toát mồ hôi khi bú mẹ. Nếu không được thoải mái, chắc chắn bé sẽ không bú đâu.
Bé mệt hoặc bé bị kích động
Đây cũng là hai lý do phổ biến lý giải tại sao bé từ chối bú mẹ. Mẹ nên ôm ấp bé, để bé bình tĩnh sau đó thử cho bé bú lại.
Bé mọc răng
Mọc răng khiến bé nhức, ngứa, khó chịu dẫn đến thờ ơ với việc bú mẹ. Mẹ có thể cho bé gặm thứ gì đó, sau đó mới cho bé bú.
Do hormone của mẹ
Vào những ngày đèn đỏ, lượng hormone trong cơ thể mẹ thay đổi có thể ảnh hưởng đến vị sữa và chất lượng sữa. Vì thế trước khi cho bé bú, mẹ nên vắt vài giọt ra nếm thử rồi mới cho bé bú.
4 điều thú vị về sữa mẹ không phải ai cũng biết
(Làm Mẹ) – (Phunutoday) – Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên tốt nhất cho trẻ sơ sinh mà không thực phẩm nào khác có giá trị bằng. |