2015-08-03 10:09:21
[]
{"ha-noi":"h\u00e0 n\u1ed9i","long-tot":"l\u00f2ng t\u1ed1t","phap-luat":"ph\u00e1p lu\u1eadt","tich-thu":"t\u1ecbch thu","tra-da":"tr\u00e0 \u0111\u00e1","tra-da-mien-phi":"tr\u00e0 \u0111\u00e1 mi\u1ec5n ph\u00ed"}
https://media.xevathethao.vn/images/rs:fill:0:0:0/g:ce:0:0/c:0:0/aHR0cHM6Ly9raG9ldmFkZXAudm4vYXBwL3VwbG9hZHMvZmlsZXMvbmV3cy8yMDE1LzA4LzAzL3RyYS1kYS1taWVuLXBoaS0yXzE0Mzg2NTA1NDAtMTEzNjU1a2hpLWxvbmctdG90LWJpLXRpY2gtdGh1LmpwZw.webp
Array

Khi lòng tốt bị tịch thu

Tại sao Hà Nội, trái tim của cả nước, đất Tràng An thanh lịch lại đi tịch thu bình trà đá dành cho người nghèo? Các địa phương khác đâu ai nỡ hành xử với người nghèo như vậy.

Dạo này Hà Nội bỗng dưng nổi tiếng. Không chỉ trong nước mà khắp thế giới, ít nhất là trong cộng đồng mạng của người Việt. Chuyện đốn hạ cây xanh hàng loạt vẫn còn đó vì chỉ mới kỷ luật tượng trưng một số cán bộ. Nhờ mưa gió nên lòi ra việc hàng trăm rễ cây trồng vẫn còn nằm trong túi ni lông bởi những người thiếu trách nhiệm. Nhà hát thành phố, di tích văn hóa quốc gia đặc biệt, bị phủ sơn vàng khè, nhức nhối trêu ngươi. Chuyện bể ống nước sông Đà tập thứ 12 (giống như phim truyền hình nhiều tập) làm dân nghèo thủ đô khốn đốn.

Không chỉ nổi tiếng nhờ chuyện lớn cấp thành phố và trung ương mà việc nhỏ của phường cũng dậy sóng dư luận. Cả thế giới biết việc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, tịch thu bình trà đá miễn phí trên đường Giải Phóng vào ngày 27.7. Lí do tịch thu là “phản cảm, vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố”. Mới nghe, cứ tưởng Hà Nội tiên phong, triệt để thực hiện “Năm văn minh đô thị 2015”. Dân mạng bức xúc, chủ yếu là lên án cách hành xử máy móc như robot. Số ít hoan nghênh, biện minh cho việc làm của địa phương là “thượng tôn pháp luật”, dù là chuyện “nhỏ như con thỏ”.

Mô tả ảnh.
Thật may cho người nghèo ở TP.HCM là những thùng nước ngĩa tình thế này không bị tịch thu – Ảnh: Bùi Chiến

Những thùng trà đá hay nước lọc miễn phí mà dân nghèo gọi là “Thùng nước nghĩa tình” là nét đẹp tương thân, chia sẻ của người Việt và hình như chỉ người Việt mới có. Thùng nước nghĩa tình này mới xuất hiện gần chục năm nay, khởi xướng từ Sài Gòn và lan ra các địa phương khác. Có lẽ nó được bắt nguồn từ những chum nước đầu làng cho khách bộ hành đỡ khát của người Việt xưa. Trà đá, nước lọc; thức uống dân dã, chỉ những người nghèo mới cần dùng, cũng đỡ tốn mỗi lần mấy ngàn nếu phải mua, dù là quán bình dân. Việc làm này đáng lẽ nên khuyến khích. Thùng trà đá hay bình nước lọc, giỏi lắm tốn mỗi bề 40 cm. Nếu việc đặt để chưa đúng thì trao đổi với những chủ nhân có tấm lòng để sắp xếp sao cho ổn thỏa.

Tôi bỗng nhớ chuyện tranh luận của lớp khoa Văn đại học Sư phạm thành phố cách đây hơn 30 năm. Giờ học chính trị hôm đó, thầy tôi dạy về “chuyên chính vô sản”. Cả thầy trò sôi nổi nêu ví dụ và tranh luận nảy lửa việc dẹp lòng lề đường, nhất là mỗi lần có chiến dịch. Có sinh viên đã phê phán gay gắt việc chỉ thu gom hàng rong mà không dám đụng tới các bãi xe, các nhà hàng; không chỉ lấn mà chiếm hết lề đường. Thầy tôi hỏi “Cái đó là chuyên chính gì?”. Cả lớp ồn ào, nào là chuyên chính nhà giàu, chuyên chính chủ quan, chuyên chính đánh trống bỏ dùi… Cuối cùng, thầy tôi kết luận, đích thị đó là “chuyên chính quan”. Chuyện cũ mà vẫn mới mẻ, phải bổ sung thêm định nghĩa của thầy là “chuyên chính đại quan”, “chuyên chính đại gia” mới đầy đủ.

Tại sao Hà Nội, trái tim của cả nước, đất Tràng An thanh lịch lại làm thế? Sài Gòn và các địa phương khác đâu ai nỡ hành xử với người nghèo như vậy. Chiều nay đi xe ôm, nghe bác tài bình luận chuyện Hà Nội tịch thu thùng trà đá cho nghười nghèo mà buồn tê tái. Nếu triệt để thượng tôn pháp luật thì làm gì có chuyện lề đường Hà Nội bị chiếm gần hết (có người còn quả quyết là bị bán?) như hiện nay. Mà đâu riêng gì Hà Nội, khắp Việt Nam đâu chả thế. Có điều là chưa đâu tịch thu thùng nước uống nghĩa tình của người nghèo. Nếu đường phố Hà Nội thoáng đẹp như Mỹ hay châu Âu, Nhật Bản… thì người dân chẳng ai dám đặt thùng nước tình nghĩa kiểu đó. Lúc đó cũng không còn ai cần dùng những thùng nước như vậy. Người nghèo lúc đó sẽ bằng người kha khá bây giờ.


Anh xe ôm hỏi tôi “Tại sao luật pháp chỉ làm khó người nghèo?”. Anh dẫn chứng cho tôi hàng chục ví dụ sinh động, tôi chỉ biết á khẩu lắng nghe. Giả vờ nhắc anh chạy xe cẩn thận vì đang giờ cao điểm để đánh trống lảng.

May quá, đường phố Sài Gòn vẫn còn nhiều thùng nước nghĩa tình chưa bị cầm tù.

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM.

Nên phạt nặng những người đặt trà đá từ thiện ở vỉa hè!
Các bạn nghĩ rằng việc (cố tỏ ra) thương người nghèo chứng tỏ mình văn minh? Khi lấy hoàn cảnh biện minh cho việc phá hoại kỷ cương xã hội, thì các bạn chưa văn minh được đâu!

Bài viết mới nhất

PHẠM TUẤN NGỌC XUẤT SẮC GIÀNH Á VƯƠNG 1 TẠI MR WORLD 2024

Phạm Tuấn Ngọc - đại diện Việt Nam, đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi đạt danh hiệu Á Vương 1 tại cuộc thi...

Những mùi nước hoa giúp nàng tỏa hương trong mùa đông

Mùa đông không chỉ là thời điểm để khoác lên mình những chiếc áo len ấm áp hay những chiếc khăn choàng thời thượng,...

Bữa sáng ngon và tiện với nguồn dinh dưỡng dồi dào từ yến mạch

Yến mạch - nguyên liệu “thần thánh” giàu chất dinh dưỡng, giúp cơ thể khỏe và đẹp hơn mỗi ngày. Thường xuất hiện trong những...

10 năm kinh nghiệm của hoa hậu Kỳ Duyên vẫn chưa đủ để chinh chiến trên đấu trường quốc tế?

Mới đây, hoa hậu Kỳ Duyên đã đại diện cho Việt Nam tham gia cuộc thi Miss Universe 2024 và đã phải dừng chân...

NAM VƯƠNG TUẤN NGỌC TRỞ THÀNH ỨNG VIÊN SÁNG GIÁ TẠI MR WORLD 2024

Nam vương Phạm Tuấn Ngọc đã xuất sắc vượt qua vòng thử thách đối đầu, chính thức góp mặt trong Top 20 Head to...