Ai mới là người gieo hạt mầm tử tế? Hình minh họa. |
Người Việt chúng ta thật dễ xúc động
Người Việt ăn cắp ở châu Âu bị bắt, đường dây ăn cắp có hệ thống của người Việt ở Nhật, ở Canada… Khi báo chí đăng tin, cùng lúc chúng ta sẽ kể những câu chuyện về tính trung thực của người dân sống ở các nước khác mà chúng ta được chứng kiến hoặc nghe kể lại, và luôn luôn kết thúc bằng câu cảm thán đại loại “biết tới khi nào Việt Nam mới được như vậy!”.
Chúng ta sôi sục vì tức giận khi nạn mất cắp hành lý tái diễn đều đặn ở sân bay của chúng ta. Chúng ta kể chuyện nước này nước nọ không bao giờ có chuyện tương tự. Chúng ta đau điếng khi bất cứ thứ gì để quên trên máy bay, trên taxi… ở Việt Nam đều gần như không bao giờ tìm lại được. Chúng ta xuýt xoa về tính trung-thực-đã-thành-tự-động của người nước ngoài. Và câu chuyện của chúng ta dừng lại sau khi chúng ta đã phê phán nát bàn phím.
Xúc động, phê phán, rồi gì nữa?
Chúng ta lại tiếp tục hối hả sống, tiếp tục nghiến ngấu các mẩu tin tiêu cực về người Việt, về xã hội Việt Nam và lại cuồng nhiệt nhảy vào vòng xoáy “tự động chê, tự động chửi” mỗi khi gặp hình ảnh “người Việt Nam đang xấu xí”. Và hả hê khi viết ra được những dòng bình luận “phê bình có đẳng cấp” tràn đầy tính phê phán để hòa chung vào dòng thác “phê ngay không chậm trễ” của mạng xã hội. Và thấy mình thật thời sự, thật “yêu nước”. Và tự hào rằng mình đứng ngoài những đứa ăn cắp ấy.
Nghĩa là chúng ta vẫn có hoạt động, nhưng có bao nhiêu hoạt động cụ thể từ chính chúng ta liên quan đến việc làm sao để thay đổi hình ảnh những người Việt Nam “xấu xí”?
Một xã hội không thể đổi thay chỉ trong một chớp mắt như trong mơ ước của chúng ta. Để đi tới chỗ “suy thoái” về đạo đức như chúng ta thường than phiền, nó cũng đã cần một quãng thời gian dài chứ không thay đổi ngày một ngày hai. Để thay đổi hiện trạng xã hội, chúng ta phải chấp nhận một cuộc thay đổi từ từ, thẩm thấu và có thể “ngốn mất” một hai thế hệ mới có thể đạt được đến ngưỡng tử tế như chúng ta mong muốn.
Và thiết nghĩ, chính chúng ta phải là người miệt mài gieo mầm tử tế cho chính mình và cho thế hệ con em mình.
Chúng ta tử tế, không có nghĩa là con chúng ta sẽ tự động tử tế. Ngoài giáo dục của chúng ta, con còn chịu tác động từ môi trường bạn bè xung quanh. Khi việc “cầm nhầm” trở thành việc cả xã hội mặc nhiên thừa nhận, con chúng ta sẽ lặn ngụp trong chính cái môi trường ấy. Và cái xấu có thể nhiễm vào con chúng ta một cách rất từ từ mà mắt thường chúng ta không thấy được.
Rất nhiều lần tôi nghe bạn bè than phiền về việc con cái đi học thường xuyên mất đồ dùng học tập, vật dụng cá nhân và giải pháp đưa ra là dán nhãn tên vào đồ dùng cho con. Điều đó không ngăn ngừa được tật ăn cắp vặt trong cộng đồng con trẻ.
Một cái nhãn với tên riêng của một đứa bé chỉ có giá trị khi người nhặt được có ý thức rằng “A, bạn này đã làm mất món đồ này, chắc giờ này bạn đang buồn lắm vì mất nó, thiếu nó bạn sẽ gặp khó khăn khi học, mình phải tìm bạn để đưa lại cho bạn ngay!” chứ không có giá trị kìm hãm lòng tham của người nhặt.
Thay vì chăm chỉ rầy la con, chăm chỉ dán nhãn, và ngao ngán trong lòng chúng ta hoàn toàn có thể đề nghị nhà trường làm một khu vực Đồ đạc thất lạc để các con khi nhặt được sẽ đem đến đặt ở đây, các con khi mất đồ có thể đến đây để tìm xem có bạn nào nhặt được giùm mình chưa. Thay vì thờ ơ với đề nghị mang tính xây dựng như vậy của phụ huynh, nhà trường hoàn toàn có thể thực hiện và đưa vào các giờ sinh hoạt lớp để giáo viên chia sẻ với các em. Một buổi chia sẻ về “Cảm xúc khi bị mất một món đồ mà em yêu quý” kèm với hướng dẫn của giáo viên về việc “Khi nhặt được của rơi, các con nên làm gì?” chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc chép đi chép lại một trăm lần câu “Nhặt được của rơi trả lại người mất”.
Bạn thử nghĩ về cảm xúc của chính mình khi đánh mất một quyển sách hay, một chiếc điện thoại chứa đầy hình ảnh của người thân, một chiếc đồng hồ kỷ vật của cha để lại cho con trai và niềm vui của mình khi tìm lại được đồ vật ấy… chắc chắn lần sau khi nhặt được một đồ vật nào đó, bạn sẽ nghĩ đến cảm xúc của người bị mất, và chắc chắn sẽ không nỡ giữ làm của riêng đồ vật quý giá đó của người ta. Và như thế, hạt mầm tử tế đã đâm chồi.
Nếu trường học nào cũng có một góc “Đồ đạc thất lạc” và những buổi sinh hoạt mang tính chia sẻ để các em học sinh kể lại trải nghiệm của chính mình khi mất mát, khi tìm lại được, để giáo viên có cơ hội khơi gợi tính thiện trong mỗi em, gieo một hạt mầm tử tế lương thiện không tham lam cho các em, thì tôi tin, sau này trên Facebook của các em, trong những dòng trạng thái, sẽ có những dòng chữ reo vui vì tìm lại được đồ đạc đã mất, những dòng chữ cảm ơn một người không quen biết đã nhặt được đồ đạc của mình và đã trao lại cho mình, với một trái tim yêu thương như các em đã được dạy ở trường. Và như thế, bóng mát lương thiện đã ở gần bên ta…
Nghĩ về quốc thể!
(Xi nhan) – (Phunutoday) – Quốc thể sẽ được bảo vệ chính từ những việc rất nhỏ, từ những người dân bình thường, và những điều đó diễn ra hằng ngày như một việc hiển nhiên. |