Quy trình chuyển dạ của mẹ bầu
Giai đoạn đầu của cuộc chuyển dạ, cơn gò tử cung thường ngắn, kéo dài khoảng 10 đến 15 giây và tần số xuất hiện thường dài khoảng 10 phút có một cơn co. Càng gần đến lúc rặn sinh thì cơn co đến càng dồn dập và kéo dài hơn, khoảng 20 – 30 giây. Khi các cơn co trở nên thường xuyên hơn, 10 phút có hơn 3 cơn co, mỗi cơn co kéo dài khoảng 30 – 40 giây và sản phụ đau bụng dữ dội là lúc em bé sắp chào đời. Lúc này, thời điểm rặn đã đến.
Nếu bạn không sử dụng phương pháp sinh thường không đau, lúc này cơn gò tử cung và cơn rặn đến rất mạnh mẽ, như một cách đôn đốc tự nhiên để bạn rặn đẩy em bé ra ngoài, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy mình có một nguồn năng lượng dữ trữ thôi thúc bạn rặn. Một số người mẹ chia sẻ rằng những lúc vào “giờ G” thế này họ cảm thấy được rặn sẽ tốt hơn và dễ dàng hơn là “nín rặn”. Dĩ nhiên là thế, bởi lúc này cơn mót rặn khiến mẹ thực hiện thao tác rặn theo bản năng và rặn một cách chăm chỉ như thể người mẹ cảm thấy cần thiết phải làm điều đó để sinh con khỏe mạnh.
Mẹ bầu biết cách thở hiệu quả sẽ giúp sinh con dễ dàng |
Nếu bạn sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, bạn sẽ cảm thấy bị tê liệt. Bạn sẽ không có nhu cầu để rặn đẩy con ra ngoài, do đó sự phối hợp của ý chí với cơ bắp của bạn sẽ có một chút khó khăn hơn để rặn đẻ hiệu quả. Bạn sẽ phải dựa trên mệnh lệnh chỉ huy của y tá, nữ hộ sinh, hoặc bác sĩ để giúp bạn tập trung sức lực rặn đẩy em bé. Tuy nhiên bạn đừng lo lắng về điều đó, hầu hết phụ nữ sinh bằng phương pháp sinh không đau (gây tê ngoài màng cứng) đã rặn đẻ rất hiệu quả và sinh con khỏe mạnh mà không cần sự hỗ trợ của các dụng cụ trợ sinh như kẹp hoặc hút chân không…
Cách thở và rặn khi sinh con
Hướng dẫn cách hít thở:
Thực tế, trong lúc vượt cạn, các mẹ cảm thấy rất đau nên dễ rơi vào tình trạng căng thẳng. Việc chống lại cơn đau bằng cách khóc lóc hay chửi bới chỉ khiến mẹ thêm stress, cổ tử cung không giãn nở tốt và càng khó sinh. Các mẹ nên hít thở theo từng cơn co của tử cung.
1. Thở chậm, sâu
Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn cổ tử cung mở dưới 3 cm. Khi có cơn co tử cung, mẹ hãy bắt đầu bằng hơi thở sâu, rồi thở ngực chậm sâu (hít bằng mũi rồi thở ra bằng miệng, thở chậm rãi, đều đặn) và chấm dứt với một hơi thở sạch khi đã hết cơn co. Thở đúng là khi hít vào thì bụng phình lên, khi thở ra thì bụng xẹp xuống. Thở 6-9 nhịp cho một cơn co tử cung khoảng 50 giây.
Cách thở này cũng là một động tác trong yoga. Sau sinh, mẹ cũng có thể thực hiện cách thở này để giúp oxy vào cơ thể nhiều hơn. Khi hít thở chậm sâu, các mẹ có thể thực hiện bất cứ tư thế nào cũng được. Các mẹ càng thư giãn thì việc hít thở càng hiệu quả. Mẹ nên nằm nghiêng hoặc ngồi sẽ tốt hơn. Nằm ngửa thở không tốt vì nó sẽ làm chậm chuyển dạ và hạn chế tuần hoàn nhau thai.
Hít thở sâu sẽ làm giảm bớt sự trở ngại do đáy tử cung cao đè lên cơ hoành và cách thở này được sử dụng trong suốt thời gian chuyển dạ. Mẹ nên tập trung vào một điểm gì đó mà quên đi cơn đau của co tử cung. Điểm trọng tâm này có thể là một vật hay một tranh ảnh đẹp, vui, dễ nhìn thấy.
2. Thở nhanh, nông
Kiểu thở này được sử dụng trong giai đoạn cổ tử cung mở từ 3 đến 6 cm, cơn co đã mạnh hơn, dài hơn và dày hơn, với tần suất khoảng 3 phút một cơn. Khi có cơn co tử cung, bắt đầu với một hơi thở sâu, tiếp đó là thở ngực nông. Khi cường độ cơn co càng lên cao thì càng thở nhanh hơn. Thở chậm lại khi cơn co giảm dần rồi thực hiện một hơi thở sạch khi cơn co chấm dứt.
Kiểu thở này thường khiến miệng nhanh khô, vì thế các mẹ nên mang sẵn một chai nước lọc bên mình. Các sản phụ không nên tập cách thở ở nhà vì sẽ rất nhanh mệt.
Thở và rặn khoa học giúp mẹ bầu trải qua những cơn đau dễ dàng hơn |
3. Thở thổi nến
Khi thở cách này, bạn hãy hình dung như mình đang chuẩn bị thổi nến, một số người còn gọi đây là thở phù phù.
Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn chuyển tiếp, khi cổ tử cung mở từ 7 đến 9 cm, cơn co tử cung mạnh, khoảng cách giữa hai cơn co ngắn. Lúc này, sản phụ thường chỉ muốn rặn vì ngôi thai xuống và đè vào trực tràng. Tuy nhiên, nếu rặn sẽ rất nguy hiểm vì cổ tử cung chưa mở ra hoàn toàn. Kiểu thở này giúp làm giảm áp lực từ tử cung đồng thời giúp mẹ tránh rặn sớm.
Khi cơn co bắt đầu, hít một hơi thở sạch, kế đó thở nhanh nông 4 lần rồi thổi mạnh một lần qua miệng, lại tiếp tục thở nhanh nông 4 lần rồi thổi ra. Cứ thế cho đến hết cơn co và chấm dứt với một hơi thở sạch.
Hướng dẫn cách rặn:
Khi cảm thấy bụng gò cứng dần và xuất hiện cơn đau đồng thời bạn cảm thấy rất muốn rặn, thôi thúc phải rặn và được bác sĩ cho phép, bạn hãy hít vào một hơi thở thật sâu sau đó nín thở, miệng ngậm chặt. Tư thế chuẩn khi rặn sinh mà các bác sĩ gợi ý để sinh con khỏe mạnh là: hai tay nắm chặt vào hai thành của bàn sinh, hai chân đạp mạnh vào hai ống treo cổ chân của bàn sinh, cằm tì ngực, lưng thẳng đồng thời áp sát vào bề mặt bàn sinh và mông cong lên phía trước để dồn hơi rặn đẩy thai nhi ra ngoài.
Có mẹ chỉ cần rặn một hơi là con chào đời, có mẹ thì phải 3 hơi mới thành công. Sau khi con chào đời, vẫn cách rặn này nhưng nhẹ nhàng hơn, mẹ sẽ đẩy nhau thai ra ngoài và hoàn tất cuộc sinh.
Giảm bớt nỗi lo dinh dưỡng cho bà bầu gầy yếu
(Làm Mẹ) – (Phunutoday) – Bà bầu gầy yếu có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, trong thời gian mang thai, bà bầu cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng. |