Bé có ăn nhiều rau đến mấy vẫn không hấp thu được lượng vitamin, muối khoáng và chất xơ cần thiết nếu mẹ còn duy trì thói quen nấu nướng theo 5 kiểu này:
Thời gian sơ chế cách xa thời gian nấu
Rất nhiều mẹ có thói quen rửa, thái rau rồi bảo quản để sử dụng dần nhưng cách làm này khiến dinh dưỡng trong rau bị hao hụt đi rất nhiều. Một khi đã thái rau ra rồi, nên nấu luôn để giữ được hàm lượng dinh dưỡng trong rau nhiều nhất có thể. Nếu mẹ cần rửa rau trước để dành cho những lúc bận rộn, hãy đặt rau vào trong túi có vài tờ khăn giấy, giúp hút nước ở rau rồi bỏ tủ lạnh và nấu càng sớm càng tốt.
Chỉ sử dụng nước rau
Với các con trong độ tuổi tập ăn dặm, nhiều mẹ chỉ hầm rau củ, quả lấy nước cho bé ăn vì sợ bé hóc, nghẹn mà quên mất phần xác, lá giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp bé chống táo bón, tiêu hóa tốt. Đa phần trẻ nhỏ hay táo bón vì ăn thiếu lượng rau cần thiết mà một trong những nguyên nhân là do kiểu nấu nướng như thế này. Nếu bé chưa nhai tốt, hãy băm hoặc thái nhỏ rau cho vào món rau của bé.
Không nên chỉ hầm rau củ, quả lấy nước cho bé ăn vì sợ bé hóc, nghẹn mà quên mất phần xác, lá giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ (Ảnh minh họa)
Nấu rau với quá nhiều nước
Một số vitamin như vitamin C và vitamin B hay các chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch rất dễ bị hòa tan trong nước. Do đó, để đảm bảo dưỡng chất món rau của bé, đừng lạm dụng nấu rau với quá nhiều nước. Chính vì nấu rau với càng ít nước càng giữ lại được nhiều dinh dưỡng nên phương pháp hấp hay đun rau trong lò vi sóng tốt hơn so với luộc hoặc hầm.
Một số loại rau khi được hấp lên còn tăng hàm lượng chất chống ooxxy hóa quý giá lên gấp nhiều lần, chẳng hạn như cà rốt tăng 300% hay bắp cải tăng 400%.
Đun nấu quá lâu
Một mẹo nhỏ để các mẹ biết món rau của mình nấu có bị mất chất nhiều hay không: màu sắc của rau sau khi nấu càng biến đổi so với ban đầu (úa, nhợt nhạt, kém tươi) thì chứng tỏ rau càng mất nhiều chất. Rau nấu với nhiệt độ quá cao trong thời gian dài bị hao hụt đi rất nhiều vitamin và muối khoáng. Do đó, chỉ nên nấu rau vừa chín tới, đảm bảo màu sắc tươi ngon.
Đối với các loại rau lá màu thẫm chứa nhiều nitrat, đun quá lâu còn khiến nitrat trong đó biến thành nitrite, dễ dẫn đến ngộ độc ở trẻ em.
Đối với các loại rau lá màu thẫm chứa nhiều nitrat, đun quá lâu còn khiến nitrat trong đó biến thành nitrite, dễ dẫn đến ngộ độc ở trẻ em. (Ảnh minh họa)
Nếu món ăn mẹ nấu có chứa một hỗn hợp các loại rau, hãy bắt đầu bằng những rau lâu chín nhất (các loại rau lá dày, củ, quả), rau nhanh chín (rau lá mỏng, rau thơm) bỏ vào sau.
Nấu rau xong không ăn ngay
Rau nấu xong rồi ăn liền thì chỉ hao hụt khoảng 15% vitamin, nếu để sau 1 giờ mới ăn sẽ bị mất 25%, sau 2 giờ vitamin mất từ 34-57%, nếu đã đun rồi, để lâu, sau đó hâm nóng lại mới ăn thì vitamin mất tới 90%. Đặc biệt, một số món rau để lâu rồi hâm lại như cần tây, rau quả đậm màu giàu nitrat (cải bó xôi, củ cải đỏ, củ dền,…) còn sản sinh ra chất độc hại, không tốt cho cơ thể.