Ung thư ruột: Do ăn ít rau, nhiều thịt
Ung thư đại tràng có mối liên hệ mật thiết với táo bón. Theo đó, táo bón là tình trạng đại tiện không thông, gây ùn tắc, ứ đọng cặn bã trong ruột. Bởi vậy, tình trạng táo bón kéo dài sẽ là nguyên nhân khiến cơ thể hấp thụ ngược trở lại các chất độc tố đó, lâu ngày sẽ dẫn tới ung thư.
Kết quả khảo sát đối với nhóm các bệnh nhân này đã cho thấy hầu hết những người mắc bệnh đều có chế độ ăn uống không cân bằng, ăn quá nhiều thịt, ít rau, dẫn tới cơ thể thiếu chất xơ và vitamin, gây nên tình trạng đại tiện khó khăn, táo bón trầm trọng, nguy cơ ung thư đại tràng tăng cao.
Hơn nữa, thịt đỏ sở hữu hàm lượng chất xơ rất thấp, ăn quá nhiều dễ dẫn tới táo bón, ảnh hưởng tới khả năng trung hòa acid của mật, gây kích thích các tế bào biểu mô ruột và tăng khả năng mắc ung thư.
Một số nghiên cứu chuyên sâu cũng khẳng định, cơ thể con người hấp thu quá nhiều chất béo có nguồn gốc từ động vật trong thời gian dài cũng thúc đẩy việc sản xuất các chất gây ung thư.
Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống lành mạnh. Theo đó, tỉ lệ ăn thịt và rau theo mỗi bữa nên duy trì ở mức 1:4 hoặc 1:5, đồng thời kiến nghị mọi người mỗi ngày nên ăn 50 – 100gr lương thực phụ.
Ung thư dạ dày: “Thủ phạm” là những thực phẩm ướp, muối
Ung thư dạ dày và đại trực tràng là hai loại bệnh có mối liên hệ chặt chẽ với chế độ ăn uống. Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư dạ dày đa số là người cao tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư trực tràng phần đông lại là người trẻ tuổi.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do người cao tuổi có thói quen ăn nhiều thực phẩm muối ướp như dưa muối, cà muối… Còn người trẻ tuổi lại đặc biệt ưa chuộng đồ ăn nhanh. Hai loại thực phẩm này đều có chứa nhiều chất gây hại đối với dạ dày và trực tràng.
Trên thực tế, dù đã trải qua quá trình muối và lên men, các món như cà muối xổi, dưa muối vẫn còn vị cay nồng. Những loại đồ ăn này có chứa hàm lượng nitrat cao bị chuyển hóa thành nitrit do vi sinh vật có trong nước dưa, cà muối tác động.
Khi đi vào dạ dày, nitrit dưới sự tác động của môi trường trong dạ dày sẽ tiến hành kết hợp với các axit amin trong những thực phẩm khác (tôm, cá, mắm tôm…) và trở thành nitrosamine. Chất nitrosamine là tác nhân gây nên nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư dạ dày.
Vì vậy, thói quen thường xuyên ăn cà muối xổi, đặc biệt đối với những người đang ốm yếu, có tiền sử mắc bệnh tiêu hóa, đường ruột sẽ làm bệnh tình nặng thêm, thậm chí có thể chuyến biến thành ung thư.
Đặc biệt, các bác sĩ khuyến cáo người dùng không nên ăn quá nhiều cà muối xổi hay dưa muối chưa chín vẫn có vị cay nồng, nếu không sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, thường xuyên hút thuốc hay ăn các loại thịt chế biến sẵn (xúc xích, thịt xông khói)… cũng thúc đẩy việc hình thành chất gây ung thư nitrosamine trong cơ thể.
Ung thư vòm họng: Ham rượu bia, thuốc lá và… ăn trầu
Theo báo cáo của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, hơn 40% trường hợp mắc bệnh ung thư vòm họng có nguyên nhân trực tiếp liên quan đến rượu và thuốc lá. Đặc biệt, hút thuốc là chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới căn bệnh ung thư nguy hiểm này ở nhóm người dưới 40 tuổi.
Bên cạnh đó, thói quen nhai trầu của nhiều người dân châu Á cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng.
Theo thống kê của Bộ Y tế Đài Loan, 80% bệnh nhân mắc ung thư miệng tại đây đều có thói quen ăn trầu. Vào năm 2003, Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư đã chứng minh trầu có chứa chất gây ung thư.
Giải thích về điều này, các chuyên gia y tế cho biết, tương tự như hút thuốc, uống rượu, việc nhai trầu có thể gây kích ứng miệng, làm thoái hóa tế bào và dẫn tới ung thư.
Bởi vậy, muốn phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, ngoài việc kiêng rượu và thuốc lá, hạn chế ăn trầu cau cũng là điều cần làm, cùng với đó là thói quen giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ và thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe.
Bí quyết ăn uống giúp phòng tránh ung thư
Ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật: Nên ăn nhiều các loại rau, quả, củ, hạt. Một chế độ ăn uống và dinh dưỡng trên cơ sở nguồn gốc thực vật sẽ cung cấp cho cơ thể các vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết sẽ giúp cơ thể có được sức đề kháng tốt để chống lại các yếu tố gây ung thư. Thêm vào đó, các thực phẩm này ít chất bột, nghèo năng lượng nên hạn chế được việc tăng cân của cơ thể đấy.
Mỗi tháng hãy duy trì ăn chay 4-5 ngày: Để thanh lọc cơ thể và tăng cường sức đề kháng giúp bạn phòng chống các bệnh ung thư hiệu quả, hãy thực hiện chế độ ăn chay 4-5 ngày / tháng. Ăn chay còn giúp bạn đổi khẩu vị và sẽ thấy ăn ngon hơn, hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn đấy. Để làm giảm nguy cơ ung thư bằng cách ăn uống, chúng ta nên:
– Ăn nhiều chất xơ cũng có thể làm giảm nguy cơ một số bệnh ung thư trong đó có ung thư đại trực tràng.
– Cắt giảm lượng muối và đường trong công thức nấu ăn nếu có thể. Đường chứa nhiều calo nhưng ít chất dinh dưỡng dễ gây thừa cân.
– Ăn các thực phẩm chế biến ít thường xuyên hơn.
– Nấu và ăn ở nhà thường xuyên hơn giúp kiểm soát lượng muối và lượng chất béo.
– Nên chọn chất béo không bão hòa có trong quả bơ, bơ thực vật, dầu như dầu ô liu… Omega-3 là một loại chất béo không bão hòa được tìm thấy trong dầu cá như cá hồi, cá trích và cá thu, đậu nành…
– Bớt ăn thịt, cá… chiên, nướng với nhiệt độ quá cao, nhất là mỡ động vật (các chất làm gia tăng nguy cơ ung thư có thể hình thành ở nhiệt độ cao).
– Nên ướp thịt, cá trước khi nấu ăn.
– Không sử dụng hộp đựng bằng nhựa để làm nóng thức ăn trong lò vi sóng, ngoại trừ loại được dán nhãn an toàn khi sử dụng trong lò vi sóng.
– Không ăn thức ăn có dấu hiệu của nấm mốc.
– Tránh uống nước ô nhiễm (chất asen có thể tăng nguy cơ một số loại ung thư) như nước giếng chưa được kiểm nghiệm. Chất clo dùng để làm sạch nước nhưng nếu chất này quá nhiều có thể tăng nguy cơ ung thư bàng quang.