Khoai tây có đủ loại màu sắc, hình dạng, kích cỡ, hương vị và kết cấu khác nhau, giúp bạn dễ dàng biến tấu nhiều món ăn hấp dẫn.

Khoai tây là nguyên liệu trong nhiều món ngon, cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Ảnh: Fernanda Martinez/Unsplash.

Insider chia sẻ một số bước không thể bỏ qua khi chế biến khoai tây mà các đầu bếp chuyên nghiệp đã bật mí. Điều quan trọng là phải rửa và cắt khoai tây càng gần thời gian nấu ăn càng tốt. Ngoài ra, việc ướp muối khoai tây khi còn nóng cũng được khuyến khích hơn ướp khi lạnh.

1. Chọn loại khoai tây phù hợp với món ăn của bạn

Theo Byron Halliburton, đầu bếp kiêm tổng giám đốc một nhà hàng tại Mỹ, có những loại khoai tây phù hợp với một số món ăn nhất định.

Ví dụ nếu bạn định nướng, chiên, xào hoặc nghiền khoai tây, hãy chọn khoai tây ít nước, nhiều tinh bột như khoai tây màu nâu đỏ. Nếu bạn nấu súp, làm món hầm hoặc salad, khoai tây đỏ là lựa chọn tốt nhất vì hàm lượng nước cao và ít tinh bột, giúp chúng giữ được hình dạng khi nấu chín.

“Nếu có một loại khoai tây được gọi là ‘khoai tây đa năng’ – đó là khoai tây vàng”, vị đầu bếp nói. Yukon Gold là một trong nhiều giống khoai tây vàng. Nó có thể được nướng, nghiền hoặc dùng trong súp hay salad. Loại khoai tây này cũng đồng thời có vị bơ và kết cấu mịn.

2. Mua khoai tây chất lượng

Theo chuyên gia, bạn hãy tìm những củ khoai tây có vỏ sạch, nhẵn và nguyên vẹn – không có chấm, sâu, mắt đen trên vỏ. Khoai tây cũng phải chắc, nặng tay, không có đốm mềm, vết thâm hoặc đổi màu.

Quan trọng nhất, bạn cần quan sát xem củ khoai có bị mọc mầm hay không. Nếu khoai đã mọc mầm, tuyệt đối không nên chọn vì chứa độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe.

3. Bảo quản đúng cách

Khoai tây cần bảo quản trong bóng tối, nơi mát mẻ và thoáng gió để tránh ánh sáng chiếu vào.

Ông Byron Halliburton cho biết: “Ánh sáng mặt trời khiến khoai tây chuyển sang màu xanh. Khi đó, khoai tây cũng bắt đầu sản xuất solanin, một hợp chất có độc tính”. Vì vậy, bạn không nên sử dụng khoai tây màu xanh bởi có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Khoai tây được bảo quản tốt nhất trong môi trường giống như hầm chứa rau, củ, quả (hay còn gọi là root cellar).

Vị chuyên gia nói thêm: “Hãy chọn nơi mát mẻ và tối với hệ thống thông gió tốt, ngoại trừ tủ lạnh. Giữ cho khoai tây của bạn ở nơi quá ấm cũng ảnh hưởng đến chất lượng”. Bạn nên bảo quản khoai tây ở nhiệt độ thích hợp, khoảng 10 độ C.

Khoai tây được bảo quản tốt nhất trong môi trường tối và thoáng mát. Ảnh: Phil Hearing/Unsplash.

4. Sử dụng khoai tây trong một tuần

Khi được bảo quản trong điều kiện lý tưởng, khoai tây có thể để được vài tuần. Tuy nhiên, tốt nhất là sử dụng chúng trong vòng một tuần.

5. Đông lạnh khoai tây đã nấu chín

Chuyên gia nấu ăn chia sẻ nếu có nhiều khoai tây hơn mức cần thiết và không sử dụng hết kịp thời, bạn có thể để khoai tây đông lạnh và bảo quản trong vòng một năm.

Hãy cắt khoai tây theo cách bạn định sử dụng: thái lát với món khoai tây vỏ sò, nạo để làm bánh khoai tây bào chiên (hash browns), cắt khối để chiên tại nhà…

Bạn có thể áp dụng phương pháp đông lạnh khoai tây khi chúng đã được nấu chín hoàn toàn hoặc một phần.

6. Ngâm khoai tây đã gọt vỏ trong nước lạnh

Theo Palak Patel, đầu bếp tại Viện Giáo dục Ẩm thực (Mỹ), khoai tây đã gọt vỏ sẽ bị oxy hóa và có thể bắt đầu chuyển sang màu nâu sẫm khi để lâu.

Do đó, hãy cho cả củ khoai tây đã gọt vỏ vào nước lạnh đến khi bạn sẵn sàng chế biến chúng. Nước giúp rửa sạch tinh bột và giữ cho khoai tây không bị đổi màu.

Theo Halliburton, khoai tây có thể được bảo quản theo cách này trong vài giờ. Nếu để lâu hơn, một số chất dinh dưỡng hòa tan trong nước sẽ bị mất đi.

Khoai tây đã gọt vỏ có thể ngâm trong nước lạnh. Ảnh: Eiliv Aceron/Unsplash.

7. Rửa khoai tây trước khi chế biến

Tương tự hầu hết loại rau củ, tốt nhất bạn không nên rửa khoai tây trước khi bảo quản vì sự ẩm ướt có thể khiến khoai tây nhanh hỏng hơn.

Nếu khoai dính nhiều đất cát, hãy chờ cho đất khô rồi dùng bàn chải đánh răng cọ nhẹ để loại bỏ đất.

Giữ nguyên củ khoai và chỉ rửa sạch trước khi bạn chế biến.

8. Với khoai tây nghiền, hãy bắt đầu với nước lạnh

Theo Halliburton, sai lầm phổ biến khi làm khoai tây nghiền là thêm khoai tây vào nước đang sôi.

Hãy cho khoai tây vào nước lạnh, có muối và đun sôi cùng nhau. Trong khi nấu khoai tây, bắt đầu đun nóng sữa, kem và bơ trong chảo nhỏ.

Nghiền khoai tây đã nấu chín của bạn bằng tay hoặc sử dụng máy xay thực phẩm, sau đó thêm hỗn hợp sữa, kem, bơ nóng đã chuẩn bị và khuấy đến khi mịn mượt.

Khi làm món khoai tây nghiền, hãy đun sôi nước, ít muối và khoai tây cùng nhau. Ảnh: AP Photo/Matthew Mead.

9. Chiên khoai tây hai lần để tăng độ giòn

Chuyên gia ẩm thực cho rằng với cách chiên hai lần, những lát khoai tây sẽ đạt độ giòn bên ngoài, bên trong mịn, xốp.

Bạn cần rắc muối ngay khi lấy khoai tây ra khỏi nồi, sau lần chiên thứ hai để đảm bảo sự thơm ngon.

10. Không bọc giấy bạc khi nướng

Để có món khoai tây nướng hoàn hảo với phần bên trong mịn và lớp ngoài giòn thơm, tránh sử dụng giấy bạc.

11. Rắc thêm baking soda khi nướng

Để khoai tây nướng có lớp vỏ giòn nhất, hãy thử đun sôi một phần khoai tây trong nồi nước với nửa thìa cà phê baking soda (muối nở) trước khi cho vào lò nướng.

Chuyên gia ẩm thực cho rằng: “Baking soda phá vỡ pectin trong khoai tây và hút tinh bột lên bề mặt. Bằng cách này, món ăn sẽ có màu chín vàng tuyệt vời và độ giòn đúng điệu”.

Thêm muối nở, không bọc giấy bạc là một số mẹo hay khi nướng khoai tây. Ảnh: Hrecheniuk Oleksii/Shutterstock.

Theo Khánh Vân (zing) – Ảnh: T.H