Nhưng khi cơ thể chịu đựng lối sống tĩnh tại hoặc chế độ ăn uống không lành mạnh ở tuổi thanh niên, cơ thể sẽ “rệu rã” khi bạn già đi.
Tiến sĩ Nesochi Okeke-Igbokwe, bác sĩ tại New York (Mỹ), cho biết: “Điều quan trọng là phải thiết lập một nền tảng vững chắc để đạt được sức khỏe tuyệt vời trong giai đoạn đầu của cuộc đời”.
Dưới đây là 5 thói quen nên bắt đầu ở tuổi 20 để sức khỏe của bạn sẽ cảm ơn bạn sau này, theo Medicaldaily.
Giảm lượng đường
Tuổi 20 là thời gian tốt nhất để giảm tiêu thụ các nguồn thức ăn ngọt. Hiệp hội Tim mạch Mỹ có hướng dẫn cắt giảm lượng đường, cảnh báo rằng lượng calo từ đường có thể dẫn đến bệnh tiểu đường và béo phì.
Thay vào đó, cố gắng uống nhiều nước hơn và thưởng thức trái cây mỗi ngày. Đây là cách bạn có thể ăn uống lành mạnh.
Xây dựng lịch trình ngủ ổn định
Giấc ngủ không theo lịch trình gây hậu quả thường gặp nhất là lão hóa sớm. Vì vậy, bây giờ là thời gian tốt nhất để tạo thói quen nghỉ ngơi đủ và duy trì nhịp sinh học khỏe mạnh. Mệt mỏi và buồn ngủ có thể có hại vì chúng có thể ảnh hưởng đến hiệu năng học tập, làm việc và thậm chí gây ra tai nạn.
Ngoài ra, thiếu ngủ có thể từ từ dẫn đến các vấn đề như viêm, lão hóa sớm, và trí nhớ kém. Thực hiện một số bước đơn giản (chẳng hạn như giảm thời gian dùng điện thoại thông minh trên giường) có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn về chất lượng giấc ngủ.
Bảo vệ da
Mặc dù tuổi này bạn đã không còn những vấn đề mụn trứng cá, nhưng cần phải chú ý đến các yếu tố không nhìn thấy được. Điều đó có nghĩa là thường xuyên rửa mặt, không đi ngủ với phấn trang điểm, nhận đủ vitamin và các bước lành mạnh khác.
Các chuyên gia khuyên dùng kem chống nắng như là một phần của thói quen chăm sóc da, không chỉ để bảo vệ da khỏi các dấu hiệu lão hóa (mỏng, đốm…) mà còn là ung thư da. Đây là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất thế giới.
Hạn chế rượu và thuốc lá
Do những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của việc hút thuốc, bạn nên tránh thói quen hút thuốc ngay từ tuổi này. Nếu sử dụng thuốc lá, vẫn chưa quá muộn để từ bỏ vì các nghiên cứu cho thấy cả lợi ích ngắn hạn và dài hạn của việc bỏ thuốc lá.
Uống rượu vừa phải không phải là điều đáng lo ngại, tiến sĩ David Katz, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dự phòng Đại học Yale (Mỹ), cho biết: “Nếu bạn bắt đầu uống rượu quá nhiều và biến nó thành thói quen thì có thể gây hại cho bạn về sức khỏe lâu dài”.
Giữ xương khớp chắc khoẻ.
Cơ thể đạt được khối lượng xương tối đa giữa tuổi 25 và 30. Sau giai đoạn này, rất khó để xây dựng sức mạnh của xương.
“Ngăn ngừa loãng xương phụ thuộc vào hai điều: tạo ra xương chắc và mạnh nhất có thể trong 30 năm đầu đời và hạn chế lượng mất xương ở tuổi trưởng thành”, theo Trường Y tế công cộng Chan Harvard T.H. Để đảm bảo xương khỏe mạnh khi bước vào tuổi 30, cần bổ sung đủ canxi và đầu tư vào các bài tập xây dựng xương.