1. Sức khoẻ là một diễn tiến không ngừng trong cơ thể, mà bạn không biết rõ hoặc ít, do cách làm việc của những cơ quan trong cơ thể như phổi, dạ dày, lá gan, thận, ruột… Có thể sánh sự sống với một lò lửa, chúng ta cần cho thêm vào lò những than củi, tức là dưỡng khí, cần biết gạt bỏ những tro tàn, tức là những chất độc. Nếu chúng ta biết nhen nhóm và chăm sóc, lò lửa con người có thể tồn tại trên trăm năm. Bộ máy người cần hoạt động hài hoà, không thể ngưng. Ngưng tức là chết.
2. Thân thể bạn là một kho năng lượng giống như một bình điện chứa đựng một sinh lực có giới hạn. Bạn không thể bắt nó phát ra nhiều sinh lực hơn sức chứa. Mỗi ngày vì làm lụng, sinh lực trong người bạn yếu đi. Khi ngủ, bạn mới nạp năng lượng. Nếu bạn tích trữ nhiều sinh lực mà bạn không dùng đến, thân thể cũng sẽ hư. Nếu sinh lực trong người gần cạn mà vẫn tiêu xài, bạn cũng sẽ bị đau yếu, giống như bạn dùng một bình điện đã hết. Bí quyết của sức khoẻ ở nhịp điệu: biết tích nạp sinh lực và biết dùng sinh lực cũng như câu điện vào, phát điện ra ở bình điện vậy.
3. Nếu may mắn sinh ra với một thân thể lành mạnh, không bệnh tật, muốn được hưởng một sức khoẻ lâu bền bạn phải tuân giữ những quy tắc sau đây:
– Ăn vừa phải, nhai thật kỹ.
– Thở mạnh và dài hơi, chỉ thở không khí trong lành.
– Ngủ tám tiếng mỗi ngày, mở cửa sổ cho thoáng khí.
– Không được vừa bước lên cầu thang vừa chạy, tim sẽ mệt.
– Phải bài tiết cặn bã mỗi ngày.
– Tránh dùng những chất kích thích có hại (rượu, thuốc lá,…).
– Mỗi ngày phải dành một thời giờ nhất định để giải trí.
– Nhìn đời với bộ mặt tươi đẹp nhất, tức là phải lạc quan.
4. Mỗi ngày nên đi bộ vài cây số. Giữa hai buổi ăn nên đi bộ một chập. Trừ phi đau yếu, ngày nào chúng ta cũng phải bước chân ra khỏi nhà để hít thở nhiều khí. Cơ thể chúng ta cần phải vận động và hít thở nhiều không khí khoáng đạt.
5. Nếu làm một công việc cần nhiều sáng tạo, bạn phải biết dùng “Phương pháp quả lắc” nghĩa là đi từ sự gắng sức, sự tập trung tư tưởng đến sự bớt căng thẳng, sự ngơi nghỉ. Đó là một phương cách th giãn trí não và thần kinh. Ngoài ra, nó còn tăng sức làm việc của bạn. Có người luôn luôn gò ép sức. Lúc ăn không thư thái, lúc ngủ không yên giấc, căng thẳng mãi như thế không ích lợi gì. Người ta thí nghiệm thấy trong những xưởng mà người thợ ngơi nghỉ nhiều lượt, việc sản xuất gia tăng rất nhanh. Nhưng ăn không ngồi rồi cũng hại như làm việc quá sức.
6. Biết dành thời gian nghỉ ngơi là một cách phòng ngừa sự suy yếu về thể xác cũng như về tinh thần. Làm việc điều hoà thì không có lý do gì để thể xác hoặc trí não bị kiệt quệ. Có hai cách để làm việc ít bị mệt là: thay đổi công việc và để giờ nghỉ ngơi giữa hai buổi làm việc. Luôn luôn chăm chú vào một việc cũng khiến chúng ta mau chóng mệt mỏi. Không một ai có thể gắng sức mãi mãi, phải dành thời gian để ngơi nghỉ. Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy những trò chơi và sự vui đùa cũng là những phương thuốc có thể trị bệnh. Nó giúp thân thể và trí não phục hồi.
7. Bạn nên tin tưởng vào khả năng phục hồi của thân thể chứ không nên quá tin vào những lời tiên đoán nghiêm trọng của thầy thuốc. Trong nhiều trường hợp, thân thể bạn có đủ sức để tự hàn lại những vết thương vì nó đã được cấu tạo để chống chọi lại với bệnh tật. Khi đau ốm, điều quan trọng hơn hết là bạn phải quyết tâm chiến thắng bệnh tật. Khi sức khỏe phục hồi, bạn có thể tăng tuổi thọ thêm ba bốn chục năm nữa Sức mạnh của ý chí có thể ảnh hưởng đến cơ thể và giúp bạn khỏe mạnh hơn.
8. Ham sống yêu đời, yêu thích công việc mình làm, đó cũng là cách để giữ gìn sức khoẻ. Nhiều khi chúng ta tự gán cho mình những chứng bệnh tưởng tượng. Nếu một người quan tâm đến cơ thể của họ một cách thái quá, tự nhiên họ có ảo tưởng rằng họ mắc bệnh. Nhiều người đến gặp bác sĩ chỉ vì họ mắc “bệnh tâm lý”. Ta để ý thấy những người ăn không ngồi rồi thường đau yếu hoặc họ tưởng tượng bị đau yếu. Khi giữ được một khối óc hoạt động và có một ý chí cương quyết muốn sống khoẻ mạnh thì bạn sẽ ít thấy mình đau yếu.