Là một người học võ, để đạt được trình độ cao thì bạn cần rèn luyện 3 “chất” cần có của người học võ, những “chất” đó là gì thì chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Những vốn liếng để trở thành một võ đạo chân chính
1. Tố chất
Năm tố chất về thể lực gồm: Nhanh – Mạnh – Bền – Khéo – Dẻo.
– Nhanh: Các động tác võ thuật được tập trở thành phản xạ, phát ra với tốc độc cao, phù hợp với tình huống diễn biến, đúng thời điểm, chính xác như ý muốn. Cần chú ý các bài tập bổ trợ về phản xạ có điều kiện, phản xạ tự nhiên.
– Mạnh: Sức phát đòn có cường lực lớn, các cú đấm, ngọn đá thể hiện được uy lực dũng mãnh. Lực phát được bắt nguồn từ đan điền, lan ra tay chân bởi các yếu tố hợp lực và các yếu quyết dụng nội lực.
– Bền: Khả năng thực hiện một khối lượng vận động lớn, kéo dài sự duy trì năng lượng cơ và các trạng thái sinh hoá của cơ thể. Mức độ sung sức ban đầu được nâng cao theo ngày tháng tập luyện.
– Khéo: Sự phối hợp đồng bộ của nhiều động tác vi tế phức tạp, nói lên khả năng thực hiện độ khó, sự luyện tập dày công và làm chủ thần kinh.
– Dẻo: Sự mềm dẻo uyển chuyển, vận động có nghệ thuật nhờ vào khả năng mở khớp ở biên độ rộng trên toàn thân thể.
2. Tính chất
Sự hiểu biết về lý luận võ học chính là nền tảng vững chắc cho sự thành đạt trong lĩnh vực võ thuật. Có người theo tập luyện nhiều năm nhưng vẫn ở nguyên vị trí vì không thông hiểu được các ý nghĩa chiều sâu mang tính uyên thâm, chỉ nắm bắt đường nét rồi suy diễn theo nghĩa thông thường rồi bỏ qua những đặc trưng qúy giá về tính triết học, tính sinh học, tính mỹ học, tính võ học của những bài học cơ bản, kỹ thuật, hay bài tập trong môn phái. Hiểu biết không cao, tất nhiên tính chất cũng tầm thường, mất phương hướng, lệch qũy đạo vì thiếu lực hút của một nghệ thuật đúng nghĩa.
Học võ bạn cần:
– Sự đam mê và niềm tin: Là nguồn động lực đẩy ta vượt những khó khăn trên hành trình đến với võ đạo. Thiếu đam mê và niềm tin, ý chí sẽ không vững, nghị lực sẽ không bền, dễ bỏ cuộc nửa chừng và nuối tiếc đoạn đường đã qua.
– Nhiệt huyết và năng động: Là lòng hăng hái, không ngại việc, không sợ khó và tháo vác, tạo ra nhiều cơ hội để đến thành công. Tuổi trẻ thiếu nhiệt huyết, năng động cũng vô ích như ông già thiếu kinh nghiệm. Cuộc sống là không chờ đợi. Hãy sống thật, sống hết mình, biết chọn đích sống và phấn đấu với sự nỗ lực toàn tâm toàn trí.
3. Phẩm Chất
Những phẩm chất của một người học võ đó là:
– Tính kỷ luật trong tập thể: Là đức tính cần thiết của con nhà võ, nói lên sự hoà mình, khiêm tốn, biết tự chế, tôn trọng cộng đồng. Sinh hoạt võ thuật rất trọng nghi thức (nhưng không hình thức cứng ngắt) nhằm mục đích giáo dục tính trọng kỷ luật cho môn đồ. Giữ môn qui nghiêm cẩn, là giữ cho môn phái được tồn tại và phát triển lâu dài. Vô kỷ luật, ngang tàng ương bướng, gây rối đều là tính xấu, là tai họa của tập thể, cộng đồng.
– Hàm dưỡng tu tập tinh thần võ đạo: Điều nầy ta phải làm cả đời bằng ý thức và sự nghiêm túc, vì tinh thần võ đạo luôn hiện diện trong đời thường.
– Cách đối nhân xử thế: Dù ta mạnh nhưng không được phép cho mình là kẻ mạnh vì người có võ dễ bị ngộ nhận là võ phu, võ biền.
– Đức bao dung, lòng nhân ái: Đây là phẩm hạnh tốt đẹp và cao cả nhất, là chất liệu thu phục, cảm hoá người tốt nhất.
Tố chất, tính chất, phẩm chất là sự chuẩn bị của người học võ, cần có sự dung hòa, hòa hợp. Có như vậy thì việc học võ mới đạt được mục đích tối cao nhất – nghệ thuật võ và xây dựng một nền võ thuật thật sự, gieo mầm mống tốt cho xã hội.