Ngày nay, những nhân viên văn phòng không chỉ được yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ trong 8 tiếng tại công sở, mà khi về nhà vẫn có thể tiếp tục công việc. Thậm chí, một số công ty còn tỏ ra khuyến khích, xem đó là biểu hiện của một nhân viên năng nổ.
Vì lí do đó mà hình ảnh một dân văn phòng điển hình là luôn cầm theo smartphone hay laptop ngay cả khi ở nhà, với tâm thế check mail công việc bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới đây của phó giáo sư William Becker từ ĐH Virginia Tech (Hoa Kỳ) thì việc luôn mang tâm lý chờ nhận email công việc sẽ gây ra tác động hết sức tiêu cực. Tác động ở đây không chỉ lên chính sức khỏe của bản thân, mà còn cho cả những người xung quanh, mà cụ thể là gia đình.
Các nhà khoa học đã khảo sát trên 142 tình nguyện viên và một số thành viên trong gia đình của từng người. Kết quả chỉ ra rằng ngay cả khi nhân viên không thực sự mang việc về nhà, chỉ cần cảm giác, tâm thế chờ đợi email đến bất kỳ lúc nào cũng đủ để gây căng thẳng và lo lắng rồi.
Lí do là bởi thời gian ở nhà không phải là thời gian trống, mà hầu như ai trong chúng ta cũng đều luôn có những “nhiệm vụ” và “vai trò” riêng trong gia đình. Khi đã mang việc công sở về nhà, dù chỉ là ở mức trông ngóng email, thì chính là bạn đang rút đi quỹ thời gian cho việc thực hiện các trách nhiệm gia đình.
Điều đó sẽ gây sự căng thẳng cho cả hai phía. Nhân viên dù đã tan giờ làm nhưng vẫn luôn cảm thấy chưa thể chấm dứt ngày làm việc, còn những người thân của họ sẽ khó chịu khi họ không hoàn thành tốt vai trò của chồng/vợ/cha/mẹ/con cái trong gia đình.
Đặc biệt, thói quen không tốt này lại thường được “ngụy trang” thành phương tiện giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn, giải quyết được nhiều việc hơn khi tiếp tục làm việc tại nhà. Tuy nhiên ý tưởng về cái gọi là “ngày làm việc linh hoạt” thực tế lại thường trở thành “ngày làm việc vô tận”, khi con người không còn phân biệt được đâu là ranh giới giữa thời gian đi làm và khi nghỉ ngơi.
Với việc bị căng thẳng và lo âu kéo dài, hẳn ai trong chúng ta cũng hiểu sức khỏe cá nhân sẽ dễ suy nhược, từ đó kéo theo hiệu suất công việc giảm, và tệ hơn nữa là rạn nứt các mối quan hệ trong gia đình. Hậu quả như thế thì hoàn toàn trái ngược với những lợi ích được mô tả.
Theo Becker để không rơi vào tình cảnh trên, các doanh nghiệp nên đề ra chính sách không khuyến khích nhân viên đem công việc về nhà. Trong trường hợp công việc đặc thù mà việc check email ngoài giờ là khó tránh, thì cũng cần thiết lập kế hoạch khung giờ nhất định mà nhân viên có thể xem và phản hồi.
Còn đối với nhân viên – là người chịu ảnh hưởng trực tiếp – thì cũng nên hạn chế tối đa việc tận dụng thời gian ở nhà để làm việc công sở. Nếu yêu cầu công việc phải thế thì cũng cần xác định các khung giờ cụ thể, và xem đó chính là thời gian làm việc, nhằm giảm lo lắng cho bản thân và nhận được sự thấu hiểu từ các thành viên khác trong gia đình.
Đồng thời, Becker khuyên rằng chúng ta còn có thể luyện tập “chánh niệm” bằng các biện pháp như thiền để kéo tâm trí về với những gì diễn ra trong hiện tại. Tức khi chúng ta ở nhà, thì tâm trí sẽ thực sự ở nhà cùng với mọi thành viên trong gia đình, điều ngược lại với thói quen “lướt” mail.