Sáng nay, học sinh khối THPT của cả nước đã trở lại trường sau thời gian nghỉ tết dài kỷ lục do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hơn 600 học sinh 2 khối 10 và 12 của trường THPT An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang, nơi tôi công tác, cũng đến lớp khá đầy đủ, dù còn rất lo âu về dịch bệnh.
Để đón học sinh trở lại trường, trong mấy ngày trước, những thầy cô giáo chúng tôi phải lau dọn phòng học, khử trùng trường lớp để đảm bảo cho học sinh của mình đến trường an toàn nhất. Giáo viên chủ nhiệm được hướng dẫn các biện pháp phòng tránh dịch để phổ biến lại cho học sinh.
Hôm nay là ngày đầu tuần nhưng nhà trường không tổ chức chào cờ mà tập trung về lớp để nghe giáo viên chủ nhiệm sinh hoạt các biện pháp phòng chống COVID-19.
Đi một vòng hết các dãy phòng học, tôi nhận thấy đa số học sinh không đeo khẩu trang. Khi được hỏi, các em cho rằng không phải vì nghe theo khuyến cáo của Bộ Y tế mà là vì ở Phú Quốc giờ kiếm mua khẩu trang rất khó, nếu mua được cũng với giá rất cao, mà học sinh thì làm gì có nhiều tiền để mua.
Cô Đặng Thị Bích – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 của trường tôi – đeo khẩu trang phổ biến cho học sinh phân trần: “Tại mặt tôi đang bị dị ứng nên phải đeo khẩu trang chứ học sinh không đeo mà mình đeo cũng kỳ lắm thầy ạ”.
Thay vào đó các em được trang bị nước rửa tay diệt khuẩn khô do thầy cô tìm mua được nguồn giá rẻ để cả lớp sử dụng chung. Cô Nguyễn Thị Lợi – giáo viên chủ nhiệm lớp 10C7 – cầm chai nước diệt khuẩn đến chỗ từng học sinh để xịt vào tay các em và hướng dẫn cách sử dụng hiệu quả. Nhìn hình ảnh này tôi cảm thấy xúc động lạ thường. Chắc các em học sinh sẽ không bao giờ quên hình ảnh này.
Vậy mà, hai hôm nay trên báo chí và mạng xã hội xôn xao chuyện đồng nghiệp tôi – thầy giáo Nguyễn Văn Thanh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, Cà Mau – bị nhà trường kiểm điểm, bị cơ quan Quản lý thị trường lập biên bản vì tội bán 20 cái khẩu trang cho học sinh thu lời… 8.000 đồng.
Theo như biên bản của nhà trường thì thầy Thanh trên đường đưa con đi học ở TP Cà Mau, có mua được 2 hộp khẩu trang y tế của người bán dạo với giá 130.000 đồng/ hộp 50 cái. Sau đó thầy Thanh “bán” lại cho học sinh hết 20 cái với giá 3.000 đồng một cái, tức mỗi cái khẩu trang thầy lời được 400 đồng.
Chuyện chỉ có vậy mà khi nhận được tin có người tố cáo, nhà trường tiến hành họp kiểm điểm, Quản lý thị trường thì đến lập biên bản thầy Thanh vì hành vi “bán khẩu trang với giá cao hơn giá niêm yết”.
Trong trường hợp này tôi thấy Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huân đã quá vội vàng, cứng nhắc và vô cảm. Công đoàn nhà trường chưa làm hết trách nhiệm để bảo vệ đồng nghiệp, công đoàn viên của mình. Lẽ ra, hiệu trưởng nhà trường chỉ cần gặp riêng thầy Thanh hỏi rõ câu chuyện, nếu cho rằng việc thầy giáo “bán” khẩu trang là phản cảm thì nhắc thầy một tiếng là đủ.
Trước hết, theo tôi, việc thầy Thanh có khẩu trang mà học sinh muốn chia lại thầy sẵn sàng chia chứng tỏ thầy rất có tâm. Nếu thầy Thanh từ chối, để dành khẩu trang cho gia đình mình sử dụng trong thì thử hỏi thầy còn mặt mũi nào lên lớp nói điều hay lẽ phải với học sinh.
Thầy chia lại với giá 3.000 đồng/cái, hơn giá thầy mua 400 đồng/cái, thử hỏi thầy Thanh tìm đâu ra tờ tiền mệnh giá 200 đồng để thầy thối lại cho học sinh? Hay thầy phải thối lại 500 đồng, chịu lỗ 100 đồng thì mới được? Xin lỗi, giờ kiếm tờ 500 đồng cũng khó khăn không kém.
Nếu muốn “bán” đúng giá niêm yết thì thầy Thanh phải là một đại lý của nhà phân phối, lấy số lượng lớn để được hưởng hoa hồng. Chắc chắn thầy Thanh không thể có tiền hoa hồng từ 2 hộp khẩu trang đó.
Hay các cơ quan quản lý cho rằng thầy Thanh phải phát không khẩu trang cho học sinh mới phải đạo làm thầy? Thầy Thanh chắc không giàu có gì để làm điều đó và nếu thầy Thanh có khá giả đi nữa cũng không ai có quyền bắt thầy cho không khẩu trang học sinh.
Còn việc bắt thầy chấm dứt việc bán khẩu trang là việc làm trái pháp luật. Thầy Thanh không “bán” trong thời gian đứng lớp thì có gì là sai?
Sự việc này theo tôi còn kinh khủng hơn cả vụ phê bình giáo viên vì tội chụp hình học sinh đeo khẩu trang bằng giấy ở Kỳ Sơn, Nghệ An mà sau đó, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn đã phải có văn bản lại rút hình thức xử lý giáo viên trái khoáy của mình.
Sẽ còn bao nhiêu thầy giáo, cô giáo “mang họa” vì cái khẩu trang?