Tốc độ giảm cân an toàn
Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo chỉ nên giảm từ 0,5 – 1 kg mỗi tuần. Điều này đòi hỏi bạn phải cắt giảm từ 500 – 1.000 calo mỗi ngày bằng cách tiêu thụ một lượng calo thấp hơn bình thường và tăng cường tập thể dục.
Lợi ích của giảm cân chậm và ổn định
Giảm cân bền vững đòi hỏi bạn cần thay đổi thói quen sống một cách lành mạnh hơn. Đó là sự kết hợp của một chế độ ăn uống lành mạnh và chế độ luyện tập thể thao. Trong quá trình giảm cân, bạn nên làm thoả mãn cơn đói và sự thèm ăn bằng việc tăng cường ăn trái cây và rau xanh, ăn vặt hợp lý và cắt giảm khẩu phần ăn sao cho phù hợp với bản thân. Đồng thời, hãy tìm ra một môn thể thao mà bạn yêu thích và hình thành thói quen tập luyện hàng ngày. Kết quả giảm cân tuy chậm nhưng sẽ ổn định, giúp bạn có thể duy trì kế hoạch giảm cân cho tới khi đạt được mục tiêu đã đề ra. Có thể bạn sẽ mất một thời gian để hình thành những thói quen lành mạnh mới. Tuy nhiên một khi nó đã trở thành một phần cuộc sống của bạn, việc giảm cân và giữ cân sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Với tốc độ giảm cân chậm, cơ thể sẽ thực hiện quá trình chuyển hoá chất béo để cung cấp năng lượng và bù đắp lượng calo bị thiếu hụt. Do đó, bạn sẽ duy trì được khối lượng cơ nạc, từ đó cơ thể trở nên săn chắc và khoẻ mạnh hơn. Bằng việc ăn uống các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và duy trì một chương trình tập thể dục cân bằng, bạn sẽ tránh được tình trạng mệt mỏi, cáu kỉnh và mất tập trung trong suốt quá trình giảm cân.
Mối nguy hại của việc giảm cân nhanh
Khi bắt đầu thực hiện kế hoạch giảm cân, bạn có thể sẽ sụt cân nhanh tới mức giảm gần 5 kg trong hai tuần đầu tiên. Kết quả này có thể là do những thay đổi trong thói quen ăn uống và sự mất nước trong cơ thể. Sau đó, tốc độ giảm cân sẽ bị chững lại. Nếu tiếp tục giảm cân một cách nhanh chóng, cơ thể bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đi khối lượng cơ bắp và giảm khả năng trao đổi chất theo thời gian.
Bên cạnh đó, giảm cân nhanh đòi hỏi bạn phải thực hiện những thói quen không tốt cho sức khỏe như ăn quá ít calo và tập thể dục ở cường độ cao hơn nhiều so với khả năng của cơ thể. Đây là những thói quen xấu rất khó để duy trì trong một thời gian dài bởi sự khắc nghiệt của nó. Ngoài ra, các loại thực phẩm chức năng hay thuốc giảm cân gây hại cho sức khỏe cũng được sử dụng để rút ngắn quá trình giảm cân. Chúng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như gia tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và nhiều tác dụng phụ khác như suy giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, rối loạn dạ dày, táo bón, mệt mỏi hay đau đầu.
Những thói quen xấu sẽ khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng và chấn thương nặng nề. Đồng thời, một khi chế độ giảm cân kết thúc, bạn sẽ có xu hướng quay về với những thói quen cũ khiến cân nặng dễ dàng tăng trở lại, hay thậm chí là tăng nhiều hơn trước. Do đó, để tránh những rủi ro đáng tiếc và giữ gìn sức khỏe, hãy kiên trì thực hiện một chế độ giảm cân chậm rãi và ổn định.