Mặc dù trường học nào cũng đều có nội quy về trang phục của sinh viên (SV) khi tới giảng đường, trang phục phải đảm bảo kín đáo, gọn gàng để thuận lợi cho các hoạt động học tập và vui chơi. Tuy nhiên, do phong cách và quan niệm ngày càng thoáng mà nhiều nữ sinh cũng “thoáng” hơn trong cách ăn mặc.
Qua mặt nội quy
Hiện nay, đa số các trường đều không có quy chế cụ thể về trang phục học đường mà chỉ có quy định chung như “trang phục nghiêm túc, lịch sự”. Đây có lẽ được coi là kẽ hở để cho các nàng tha hồ trưng sở thích ăn mặc của mình. Thanh Nga – ĐH Hà Nội nổi tiếng cả khoa với phong cách ăn mặc được coi là “thoáng” nhất. Biết rõ quy định của trường phải mặc trang phục kín đáo nhưng Thanh Nga rất ít lần thực hiện điều đó. Nga là người sính diện áo hai dây và quần bò cạp trễ. Nga vẫn mặc áo hai dây đến giảng đường nhưng trong cặp luôn có thêm một chiếc áo sơ mi trắng. Mỗi khi đến tiết học của thầy cô giáo nào hơi nghiêm là Nga lại lấy chiếc sơ mi đó khoác ra ngoài áo hai dây. Vậy là mọi việc đều ổn.
Sinh viên có thể diện theo trào lưu nhưng không nên quá lố (ảnh có tính chất minh họa).
Còn mái tóc được T.L tuốt từ màu vàng lỗi thời sang màu nâu hạt dẻ mà cô cho là thời thượng và giống nữ ca sĩ trẻ P.Q.A. Đến bộ móng tay, móng chân cũng mỗi thứ một màu xanh, đỏ, tím, vàng trông thật “lạ mắt”. T.L thản nhiên cho biết: “Sáng nay đi thi nhưng mình đến muộn, nghỉ luôn khỏi thi vì có rớt cũng chỉ thế thôi”. Thời gian chính của T.L vẫn là đi “săn” các mốt thời trang mới lạ để có dịp “trình diễn” mỗi lần đến lớp.
Phương Mai – SV Khoa Phát thanh, Cao đẳng Truyền hình tuy không dám diện những trang phục sexy trên lớp nhưng lại thoải mái mặc nó ở lớp học thêm tiếng Anh buổi tối. Là lớp học thêm, không phải tuân thủ nội quy nào nên Mai có thể diện “tất tần tật” những kiểu trang phục mình thích như: áo hai dây, váy ngắn, quần cạp trễ hở hang… mà không sợ ai nhắc nhở hay nguy cơ ngồi viết kiểm điểm cá nhân và nếu có lời bình phẩm gì thì cũng chẳng đáng bận tâm.
Các nam SV tuy không “thoáng” như bạn nữ, nhưng cũng thoải mái mặc áo sát nách, quần hip hop lùng bùng, vằn vện để ngồi học.
Chốn giảng đường là nơi cần có sự lịch sự bỗng như biến thành sàn nhảy hip hop, nơi khoe lưng trần, ngực nở cho các bạn trẻ.
Thầy cô, bạn bè nói gì?
Khánh – SV Đại học Thủy lợi phàn nàn: “Cô bạn Lan ngồi bàn trên mình có sở thích mặc những chiếc áo “siêu mỏng” khiến cho lũ con trai bàn dưới tụi mình không tập trung nghe giảng được, nhìn vào rất khó chịu”. Bình – SV Đại học Hà Nội kể: “Lớp mình cũng có vài cô nàng đỏng đảnh. Cách ăn vận của các nàng thì thật kinh khủng, có hôm mình mong có cái lỗ để chui ngay xuống đất mà trốn. Nhóm đó cứ thay phiên nhau diễn những kiểu áo thiếu vải như áo hai dây, áo thun bó ngắn như bikini. Nhiều lần bị thầy cô nhắc nhở, kể cả việc đã từng bị gọi lên khoa viết bản kiểm điểm nhưng họ vẫn chứng nào tật nấy”. Còn thầy T – Học viện Ngân hàng bày tỏ: “Nhiều nữ sinh có sở thích mặc váy siêu ngắn, lại ngồi bàn đầu, lúc giảng bài tôi thực sự không tập trung được, nên vừa giảng bài, vừa phải nhìn chăm chăm xuống bàn dưới cùng”.
Ông Bùi Trung Thành, chuyên viên Phòng Công tác chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hàng ngày vẫn đảo qua tất cả các lớp trong trường để theo dõi kỷ luật của SV, thỉnh thoảng phải nhắc nhở khi SV mặc váy túm như bu gà, quần bò rách tả tơi hoặc đi đôi guốc đế kếp dày cộp cao lêu khêu chỉ chực ngã. Theo ông Thành thì “sở dĩ có những trang phục kỳ cục như vậy là do SV thiếu kiến thức thẩm mỹ. Bên cạnh đó, do các em chạy theo “mốt”, thích thể hiện sự khác biệt mà không biết rằng nó không phù hợp với giảng đường”.
Hình ảnh đẹp của nữ sinh trên giảng đường.
Một giáo viên Trường Cao đẳng Du lịch bày tỏ: “Việc ăn mặc phụ thuộc vào ý thức và thẩm mỹ của SV. Kể cả khi SV ăn mặc hip hop thì cũng phải chấp nhận vì đó là xu thế thời đại và là quyền tự do cá nhân. Chỉ những SV nào ăn mặc quá hở hang hoặc kệch cỡm thì tôi mới nhắc nhở, chứ không phạt vì chưa có quy định”.
Có thể nói phong cách ăn mặc của SV nói riêng và người đi học nói chung là một vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Đa số giới trẻ đều muốn thể hiện cá tính, sở thích của mình. Tuy nhiên, SV cũng cần phải hiểu rằng, học đường là nơi văn minh, nghiêm trang và lịch sự. Trang phục học đường phải kín đáo và đứng đắn để thể hiện mình là người có học và tôn trọng người khác. Các trường học cũng nên có quy định cụ thể, rõ ràng về trang phục học đường và có hình thức phạt với người mặc các trang phục hở hang, phản cảm. Đó là cách giáo dục đạo đức cần thiết cho sinh viên trước khi bước vào cuộc sống.
8 xu hướng mùa thu dành cho cô nàng chân ngắn
(Thời trang) – (Phunutoday) – Chọn đồ cho mùa thu là một thách thức không hề nhỏ dành cho những cô nàng chân ngắn. |
9 cách phối đồ với áo cổ lọ để thu này thêm duyên
(Thời trang) – (Phunutoday) – Thật khó có thể hoàn thiện chuyện ăn mặc mùa thu đông mà không nhắc tới sự có mặt của những chiếc áo cổ lọ. |