1. Sức đề kháng bắt đầu giảm
Sức đề kháng của con người giảm sút đa phần là do sự suy yếu của hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch là lớp phòng thủ bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như virut, ô nhiễm, tia cực tím… và các tác nhân nội tại như rối loạn chức năng, đột quỵ… Theo thông tin từ Hội dinh dưỡng Việt Nam, qua tuổi 30, hệ miễn dịch của cơ thể bắt đầu suy yếu, quá trình sản sinh tế bào kháng nguyên chậm lại dẫn đến việc chúng ta dễ ốm hơn trước.
Thêm vào đó, xu hướng trẻ hóa của nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư gan,… phần nào minh chứng cho những ảnh hưởng của môi trường và lối sống tới người trẻ. Bởi vậy, khi qua tuổi 30, bạn nên thực hiện việc khám tổng quát định kỳ để hiểu sức khỏe cơ thể cũng như nhanh chóng phát hiện mầm mống bệnh nếu có. Đây cũng là cách giúp chúng ta điều chỉnh lối sống phù hợp trước khi quá muộn.
2. Mật độ xương giảm, xương kém chắc khỏe
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, loãng xương không chỉ là bệnh của người già mà thực tế đã bắt đầu có mầm mống từ tuổi 30. Loãng xương là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy.
Sau khi mật độ xương đạt được mức tối đa vào độ tuổi 30, hàm lượng xương của cơ thể sẽ mất dần đi khoảng 1% mỗi năm, riêng xương sống mất khoảng 2% hàng năm. Loãng xương đặc biệt dễ gặp ở phụ nữ ngoài 30 tuổi, nhất là phụ nữ sau sinh do các yếu tố đặc trưng về chức năng cơ thể.
Nghiêm trọng nhất là khi bạn bị loãng xương mà không hay biết, bạn có thể dễ dàng bị gãy xương chỉ vì những dư chấn rất nhẹ như là ho mạnh hay đổi tư thế đột ngột. Bởi vậy để phòng loãng xương, sau 30 tuổi bạn nên kiểm tra mật độ xương với tần suất ít nhất 5 năm/lần để hiểu rõ tình trạng xương của cơ thể.
3. Tim bắt đầu lão hoá
Khi bước vào ngưỡng tuổi này, vấn đề tim mạch ở cả hai giới đều dần xuất hiện rõ rệt. Với phụ nữ, nội tiết tố suy giảm làm cho hệ tim mạch không còn được bảo vệ tốt như trước. Đối với đàn ông, chức năng cơ thể đi xuống cộng với lối sinh hoạt thiếu điều độ, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, chất kích thích khiến trái tim bắt đầu sinh bệnh.
Một trong những biểu hiện nổi bật của chức năng tim đi xuống là sự xuất hiện của các căn bệnh như huyết áp cao, đau đầu vùng sau gáy, suy giảm trí nhớ, mất ngủ… Để đảm bảo sức khỏe của trái tim, bạn nên kiểm tra huyết áp, theo dõi sức khỏe tim mạch và đo chỉ số cholesterol 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế uy tín.
4. Suy giảm chức năng tuyến giáp
Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Mỗi tế bào đều có một thụ thể hóc-môn tuyến giáp, gọi là T3 và T4 rất cần thiết cho hoạt động của cơ thể, nhất là tham gia vào sự tăng trưởng và phát triển của con người. Việc suy tuyến giáp không chỉ gây hại đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng xấu tới đời sống sinh hoạt. Các chuyên gia khuyến cáo khi qua 30 tuổi, mọi người nên thực hiện khám tuyến giáp và nếu các chỉ số bình thường thì cứ định kỳ 5 năm kiểm tra lại một lần.
Trên đây là 4 vấn đề tiêu biểu mà người trên 30 dễ gặp phải. Để đảm bảo sức khỏe, khi bước qua tuổi 30, bạn nên thực hiện các kiểm tra sức khỏe tổng quát để hiểu cơ thể, phát hiện các mầm mống bệnh tật và điều chỉnh lối sống phù hợp, lành mạnh.