Tách trẻ ra khỏi bố mẹ dần dần
Đừng vì quá thương con mà ngay từ khi bé sinh ra bạn đã suốt ngày ôm ấp bé trong vòng tay nhé, làm như thế trẻ sẽ “quen hơi” mẹ và không thể tự chơi khi không có mẹ được.
Chính vì vậy hãy tách trẻ ra khỏi mẹ dần dần ngày từ khi 5 – 6 tháng tuổi bằng cách buổi tối nên để trẻ ngủ riêng, việc làm này không chỉ giúp bé sớm có tính tự lập mà còn tốt cho sức khỏe của bé nữa đấy, đồng thời bạn cần để bé tự nằm chơi ngay sau khi cho bé bú, ăn xong, lúc đầu bé có thể sự hãi, khóc nhưng dần dần bé sẽ quen và có thể tự chơi một mình được.
Hướng dẫn trẻ tự làm những việc vừa sức
Hàng ngày, hàng giờ bạn cần tận dụng thời gian rảnh để dạy trẻ tính tự lập bằng cách hướng dẫn bé tự làm những việc vừa sức mình, lúc đầu bé có thể phá hư, làm hỏng,… bạn đừng vội la mắng mà hãy hướng dẫn cho trẻ cách làm đúng để dần dần trẻ có thể tự làm nhé.
Kiên nhẫn hướng dẫn bé theo những mục tiêu nhất định. Bạn có thể hướng dẫn cho bé tự ăn, xếp đồ chơi, và tự lấy bàn chải đánh ăn và kem đánh răng.
Khi bé đạt đến độ tuổi nhất định, có thể để bé đạp xe đến trường, giặt áo quần hay làm những món ăn đơn giản khi không có mẹ ở nhà, thậm chí là giúp đỡ bố mẹ những công việc nhà đơn giản… Những kỹ năng hết sức cơ bản này lại vô cùng quan trọng giúp bé tự chăm lo cho chính mình và nâng cao ý chí tự lập cho trẻ.
Phân công công việc
Phân công công việc cho từng thành viên để bé hiểu rằng mỗi người đều có trách nhiệm với công việc, hình thành thói quen làm việc, tính tự lập từ sớm. Giao bé việc lau bàn ăn, lấy chén bát ăn cơm, dọn kệ dép gọn gàng, xách những túi nhỏ khi đi siêu thị,…
Nhắc nhở bé làm thường xuyên để hình thành thói quen tốt. Khi bé đã quen việc, sẽ tự giác đi làm việc mà không cần đến sự nhắc nhở của bạn.
Khen ngợi, động viên
Hành động công nhận trẻ đã hoàn thành công việc nào đó, cho dù chúng chỉ hoàn thành ở mức sơ sài nhất, đơn giản nhất. Hãy đưa ra những lời nhận xét tích cực sau mỗi việc mà trẻ đã làm, cần hạn chế việc dùng những từ khen ngợi quá đáng cho một hành động đơn giản sẽ làm phản tác dụng, thay vào đó là những lời động viên tích cực. Nhớ cảm ơn trẻ vì đã giúp bạn làm việc nhà nhé.
Có thể động viên trẻ bằng các phần thưởng vật chất như con tự ăn cơm mẹ sẽ cho đi công viên, tự đi dép mẹ sẽ cho đi siêu thị chơi. Không khuyến khích trẻ bằng tiền vì làm cho trẻ hiểu không đầy đủ về giá trị của lao động.
Khoe thành tích của bé với mọi người, khen ngợi khi con làm tốt và tự hào khi bé sắp thành người lớn để chúng có động lực cố gắng. Những điều này giúp bé sớm có tính tự lập và không dựa vào cha mẹ.
Luôn bên cạnh trẻ nhưng hạn chế trợ giúp
Bé còn nhỏ nên rất cần tình thương, bảo bọc của cha mẹ, do đó dù bạn muốn con tự lập thế nào vẫn phải để các bé hiểu bố mẹ luôn che chở, ủng hộ các bé để chúng cảm thấy yên tâm. Đừng tạo cho trẻ tâm lý rằng bố mẹ không thương yêu, không quan tâm chúng.
Bí quyết thành công là bố mẹ cần kiên nhẫn, hạn chế sự trợ giúp đối với trẻ khi không thật sự cần thiết. Đừng thấy trẻ làm mọi thứ lộn xộn hơn hay không thể tự ăn mà bạn làm thay cho trẻ. Luôn bên cạnh, hướng dẫn, động viên để trẻ có thể ngày càng làm tốt hơn, hình thành nhiều thói quen tự lâp hơn.
Mỗi đứa trẻ có một tính cách, thiên hướng khác nhau nên cách dạy dỗ của bố mẹ cũng cần có sự linh động, hợp lý nhằm mang lại hiệu quả cao. Sẽ có rất nhiều cách thức, phương pháp khác nhau để dạy trẻ tính tự lập nhưng 5 phương pháp hay giúp bố mẹ dạy trẻ tính tự lập trên đây là những phương pháp đóng vai trò cơ bản, nền tảng để bạn có thể vận dụng linh hoạt, phát triển hơn nhằm mang đến kết quả tốt hơn.