Nối gót Trung Quốc, Ấn Độ đang trên đà trở thành thị trường xa xỉ lớn tiếp theo ở châu Á, nhất là khi Trung Quốc đang siết chặt, ngăn chặn việc người giàu khoe của, phô trương sự hào nhoáng, theo Jing Daily.
Mặc dù việc rời bỏ thị trường Trung Quốc là điều sẽ không xảy ra, nhưng việc dần chuyển hướng sang Ấn Độ để mở rộng đối tượng khách hàng được coi là chiến lược béo bở cho các thương hiệu xa xỉ.
Giống với tầng lớp phú nhị đại ở Trung Quốc, nhu cầu sở hữu hàng hiệu đắt tiền của giới nhiều tiền ở Ấn Độ ở mức cao. Ảnh: India Times.
Tiềm năng
Trong nhiều năm, các nhà phân tích đã dự đoán sự trỗi dậy về mặt kinh tế của Ấn Độ. Dù bị tác động bởi đại dịch Covid-19, niềm tin tăng trưởng kinh tế dài hạn và tiềm năng thị trường chứng khoán ở quốc gia Nam Á này vẫn mãnh liệt.
Trong một báo cáo chiến lược toàn cầu do ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) công bố vào tháng 9, thị trường chứng khoán của Ấn Độ có thể đạt mức 5.000 tỷ USD, trở thành thị trường lớn thứ 5 trên thế giới vào năm 2024.
Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính ổn định chính trị, lực lượng lao động có tay nghề cao đã giúp Ấn Độ đẩy nhanh sự thịnh vượng.
Còn ngành công nghiệp hàng xa xỉ ở nước này chưa tận dụng được hết những lợi thế cho đến vài năm gần đây.
Một vài cái tên đình đám nhất như Louis Vuitton, Hermès và Gucci đã củng cố mối quan hệ với khách hàng, đồng thời chứng kiến doanh số bán hàng, lợi nhuận gia tăng tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, không phải mọi thương hiệu đều ăn nên làm ra khi xâm nhập thị trường này.
Theo Economic Times, các cửa hàng Hermes ở Ấn Độ đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng 55%, lên 2,5 triệu USD trong năm 2019. Trong đó, doanh thu từ hoạt động bán hàng là 14,7 triệu USD.
Ngược lại, hãng Christian Dior báo cáo khoản lỗ 3,6 triệu USD trong cùng kỳ.
“Do đại dịch, các nhãn hàng hiệu đã phải tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số, tiếp cận những phân khúc nhỏ hơn và thúc đẩy nhu cầu mua sắm. Ngoài ra, việc bán hàng online, có hỗ trợ video đang giúp đảm bảo mức tăng trưởng tổng thể. Ấn Độ đã sẵn sàng cho một vị trí nổi bật trong ‘miếng bánh’ thị trường hàng xa xỉ toàn cầu”, Abhay Gupta, người sáng lập kiêm CEO của Luxury Connect, nói với Jing Daily.
Trang Indian Retailer sau đó dẫn lại quan điểm của Gupta, nhận định “ngành công nghiệp hàng xa xỉ của Ấn Độ đã phát triển tới mức 5 năm nữa với tốc độ 3 tháng”.
Nhóm siêu giàu trỗi dậy
Trên hết, ngành hàng xa xỉ được hưởng lợi từ sự gia tăng của nhóm dân siêu giàu của đất nước, khi số lượng các cá nhân nắm giữ khối tài sản ròng cao tăng nhanh chóng.
Theo ước tính, có khoảng 6.800 người thuộc tầng lớp siêu giàu ở Ấn Độ và con số này được dự đoán sẽ tăng 63%, lên hơn 11.100 người vào năm 2025, theo Báo cáo về mức độ giàu có của công ty Knight Frank vào năm nay.
Số lượng tỷ phú của Ấn Độ cũng được dự báo sẽ tăng 43%, từ 113 cá nhân vào năm 2020 lên 162 người vào năm 2025.
“Nhiều người gia nhập tầng lớp trung lưu, dân số trẻ, chính phủ ổn định và nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, Ấn Độ đang trên đà tiêu thụ hàng hiệu lớn hơn nhiều. Những thách thức trước đây như thiếu bất động sản xứng đáng để các thương hiệu cao cấp đặt cửa hàng và tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao đang được khắc phục nhanh chóng”, Gupta đánh giá.
Điều quan trọng cần lưu ý là bất chấp sự đi lên về thu nhập người dân ở cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, hai quốc gia láng giềng này có những khác biệt đáng kể về văn hóa xã hội.
Trong bài đăng trên Journal of Customer Behavior, hai cây viết Julie Bogaert và Teck-Yong Eng lập luận rằng “Ấn Độ luôn có tầng lớp thượng lưu hay thành viên hoàng gia tiêu thụ các sản phẩm xa xỉ trong suốt lịch sử. Ngược lại, khách hàng Trung Quốc chỉ thực sự quan tâm đến hàng hiệu khi kinh tế đất nước cất cánh”.
Thị trường đồ hiệu của Ấn Độ có vô số cơ hội. Tuy nhiên, khả năng sớm thay thế Mỹ và Trung Quốc để trở thành thị trường lớn nhất toàn cầu vẫn còn thấp.
Thực tế, quy mô thị trường hàng xa xỉ của Ấn Độ vẫn còn tương đối khiêm tốn, chỉ ở mức 6 tỷ USD và tăng lên thành 8,5 tỷ USD vào năm 2022 theo dự báo của Euromonitor International.