Gừng từ lâu đã được xem là loại củ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp tiêu hóa tốt, nhất là trong trường hợp kém ăn, ăn uống khó tiêu, chữa ho mất tiếng, giảm đau họng, chữa trị cảm lạnh, ho, buồn nôn hay ốm nghén ở phụ nữ mang thai…
Tuy nhiên, người xưa có câu: Sáng sớm ăn gừng, tốt hơn cả uống nước sâm; buổi tối ăn gừng, ngang với ăn thạch tín. Trong các sách y học cổ cũng từng “cảnh báo”: “Trong vòng một năm, mùa thu không ăn gừng; trong vòng một ngày, đêm không ăn gừng”.
Sở dĩ vậy vì theo lương y Nguyễn Đức Mến, Phòng khám đông Y ở Láng Hạ, vào buổi sáng, khí trong dạ dày nhiều, ăn một chút gừng vào sẽ kiện tì ôn vị, khích lệ cho dương khí bốc lên. Đến nửa đêm, dương khí trong người thu lại, âm khí thịnh phát, lúc này ăn gừng sẽ vi phạm qui luật sinh lí. Do vậy, ngay kể cả người bình thường, nếu uống nước gừng vào buổi tối cũng sẽ mất ngủ, chưa nói đến người mắc bệnh mất ngủ thường xuyên.
Đặc biệt là vào mùa thu, tốt nhất là không ăn gừng, vì mùa thu thời tiết khô ráo, táo khí (không khí khô) tổn thương phế, cộng thêm ăn gừng cay vào, lại càng dễ làm tổn thương phổi hơn, gây tăng mất nước, khô khan trong cơ thể.
Lưu ý khi ăn gừng
1. Không ăn nhiều gừng
Mặc dù gừng rất tốt nhưng nó thuộc tính nhiệt nên ăn nhiều có thể gây khô miệng, khát nước, phát nhiệt trong người.
2. Không phải ai cũng ăn được gừng
Những người thường xuyên mất ngủ, khô cổ họng, táo bón hoặc bị áp xe phổi, bệnh lao, loét dạ dày, viêm túi mật, tiểu đường, đang mọc mụn, mắc các bệnh về gan, bệnh trĩ đều không nên ăn gừng.
3. Sốt cao không ăn gừng
Uống nước gừng có thể giảm bớt tình trạng cảm lạnh, thế nhưng nếu sốt cao mà cho uống nước gừng sẽ gây ra họa. Bởi gừng có tính nhiệt, sẽ khiến thân nhiệt của người bệnh cao lên, gây tổn thương các mạch máu, thậm chí xuất huyết.
4. Không ăn gừng bị dập
Gừng tươi đã bị dập dễ sinh ra một loại chất độc cực mạnh là safrol. Chất này có thể làm biến tính, hoại tử tế bào gan, từ đó dẫn đến bệnh ung thư gan.