Không phải ngẫu nhiên mà chiếc bánh mì kẹp thịt quá đỗi quen thuộc với người Sài Gòn lại được “tôn vinh” như vậy. Cũng lạ, bởi bánh mì vốn không phải món ăn truyền thống của dân Sài Gòn, mà nó được du nhập cùng với văn hóa Pháp, có gốc gác từ bánh mì Baguette nổi tiếng thế giới từ hàng trăm năm trước. Nhưng thời thế cùng những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Sài Gòn đã tạo nên những “phá cách” độc đáo, để có được món ăn đường phố vừa rẻ, vừa ngon, được mọi người ưa thích.
Theo một số chuyên gia ẩm thực, ban đầu bánh mì kiểu Pháp sang Việt Nam được nướng trong các lò gạch kiểu Pháp truyền thống – để cho ra những ổ bánh Baguette “thuần chủng”. Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó, chắc chắn sẽ không có món “bánh mì Sài Gòn” như bây giờ.
Càng về sau, bánh mì càng trở nên quen thuộc với giới bình dân, nên nhu cầu rất lớn. Để giải quyết vấn đề số lượng, các nhà sản xuất nhập về nhiều lò điện nướng bánh như Matador hay Anwator của Nhật, nhưng vẫn giữ công thức chế biến theo kiểu Pháp. Với loại lò này, ổ bánh mì Sài Gòn có đặc trưng bên trong ruột bông, còn lớp vỏ thì giòn rụm với màu sắc vàng nâu đẹp mắt.
Một sự “phá cách” tiếp theo đến từ việc sáng tạo ra phần nhân bánh. Nếu bánh mì Baguette của Pháp thường được ăn kèm với trứng opla, pate, jambon, xúc xích, bơ hay mứt… thì bánh mì Sài Gòn có phần nhân đa dạng, phong phú hơn, mang đậm phong cách ẩm thực pha trộn giữa nhiều vùng miền trong cả nước. Về cơ bản, nhân bánh mì Sài Gòn bao gồm 3 phần chính: Các thực phẩm chế biến từ thịt (thịt heo quay, thịt nguội, chả, chà bông, xúc xích, jambon, trứng opla, bì, xíu mại…); một số loại rau như dưa leo, ngò, đồ chua, hành lá, hành Tây… tất cả được thái mỏng, giúp ăn không bị ngán; nước sốt cùng một số phụ gia. Đây chính là “bí quyết gia truyền” góp phần quyết định tạo nên danh tiếng cho bánh mì Sài Gòn nói chung, một số thương hiệu được nhiều người ưa chuộng nói riêng.
Bánh mì Sài Gòn không chỉ là một món ăn thuần túy, mà nó là kết tinh của cả một nét văn hóa mang đậm bản sắc Sài Gòn – vùng đất giao thoa giữa nhiều nền văn hóa, một thành phố “mở” sẵn sàng tiếp nhận tinh hoa từ mọi vùng miền, xứ sở khác nhau.
Vì thế, chiếc bánh mì Sài Gòn đơn sơ, giản dị, hoàn toàn có thể trở thành một “biểu tượng” của du lịch để thu hút du khách thập phương, tạo nên trong họ “nỗi nhớ niềm thương” đã một lần đến là nhớ, là muốn quay trở lại.
Người Thái Lan đã từng rất thành công trong việc “níu chân” du khách với món xôi xoài – một món ăn dân gian cũng rất bình dị, cũng từng lọt vào top nhiều cuộc bình chọn món ngon toàn cầu. Người Thái rất tự hào và trân trọng món ăn dân dã này, đến mức đưa nó vào làm món tráng miệng sau những bữa tiệc sang trọng. Món xôi xoài của người Thái không chỉ được nhìn nhận như một món ăn, mà là một sản phẩm văn hóa, một tác phẩm do lịch sử và đời sống tâm linh tạo nên… Vì thế, du khách khi tới Thái Lan ăn miếng xôi xoài không chỉ cảm nhận cái hương vị độc đáo của từng hạt nếp quyện với vị ngọt thanh và hương thơm mát của miếng xoài, mà còn dung nạp vào tâm hồn những tư tưởng, triết lý và thông điệp từ văn hóa, lịch sử được chuyển tải một cách tinh tế, thú vị qua món ăn này.
Với người Việt ta, bánh mì Sài Gòn, hay cơm tấm Sài Gòn, cũng đều xứng đáng, và hoàn toàn có thể gánh vác sứ mệnh như xôi xoài của Thái Lan. Nhưng để làm được điều này thì chắc chắn là không dễ dàng chút nào. Bởi ai sẽ làm cái công việc gắn kết món ăn ấy với những câu chuyện văn hóa – lịch sử, để du khách có thể cảm nhận câu chuyện bi thương và hùng tráng của dân tộc Việt qua mỗi miếng bánh mì?
Thường, mỗi khi nói tới Thái Lan, du khách nhớ ngay tới món xôi xoài; nói tới Hàn Quốc là nhớ tới món kim chi; nói tới Đài Loan là nhớ tới món “đậu hũ thối”… Bánh mì Sài Gòn xứng đáng “sánh vai” với những món ăn “bất hủ” ấy. Công việc còn lại là phải làm sao để món ăn này được du khách nhìn nhận không chỉ dưới giác độ ẩm thực, mà còn phải yêu thích và nhớ đến như một câu chuyện về đất nước và con người Việt Nam trong dòng chảy của văn hóa – lịch sử…