Ngày 7.1, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Q.Thủ Đức TP.HCM, cho biết trong tuần qua bệnh viện đã tiếp nhận 3 bệnh nhân cùng tâm trạng lo lắng do được các cơ sở y tế chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp hoặc nghi ngờ ung thư tuyến giáp và đề nghị được phẫu thuật ngay. Tuy nhiên, sau khi xem kết quả siêu âm, được bác sĩ tư vấn, các bệnh nhân đều chấp nhận theo dõi, không cần phải phẫu thuật gấp.
Theo bác sĩ Vũ, bướu tuyến giáp, hay gọi là bướu cổ, là bệnh lý thường gặp. Theo các nghiên cứu, 40 – 60% người bình thường có bướu giáp, trong đó chỉ 5 – 10% bị ung thư. Về điều trị ung thư tuyến giáp thì phẫu thuật, có thể kết hợp trị xạ, vẫn là cách điều trị chính nếu bệnh nhân có khối u lớn, xâm lấn xung quanh hoặc di căn qua hạch… Còn với các bệnh nhân có nguy cơ thấp (khối u nhỏ, còn khu trú, chưa di căn hạch…) thì vẫn có thể theo dõi định kỳ, không cần mổ gấp.
Bác sĩ Vũ cảnh báo hiện nay các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa khác nhau có thể siêu âm phát hiện bướu giáp nhưng không dựa trên chứng cứ khoa học. Rất nhiều cơ sở y tế tiến hành tầm soát ung thư tuyến giáp kèm nhiều thông tin làm bệnh nhân lo lắng hoặc điều trị tốn kém, biến chứng mà không mang lại lợi ích cụ thể, nhất là khi bác sĩ tư vấn theo hướng tiêu cực quá mức.