Tới một quán “Dê núi Ninh Bình” khá lớn ở quận 10, TPHCM, khi hỏi món nào “đặc sản” thì bà chủ quán cười tươi rói: “Pín” dê là món “độc” của quán chị đó. Các em ăn vào là đảm bảo có “hiệu quả tức thì”. Không biết có đúng như lời quảng cáo hay không, nhưng mới ngồi hơn nửa tiếng đồng hồ, đã có cả chục bàn gọi món “pín” dê tiềm thuốc bắc.
Bà chủ quán cho biết thêm: “Trước đây, các quán lẩu dê tại khu vực này thường chỉ bán hai món: Dê nướng và lẩu thịt dê. Nhưng bây giờ đã vào quán thì người ta phải gọi các món “pín” dê: Lẩu “pín”, xào sa tế, nhồi ốc bươu, tiềm thuốc bắc mới gọi là… sành điệu”.
“Mỗi ngày, quán chỉ tiềm 50 bộ thôi. Khách không đặt trước thì đành… nhịn”. Nói rồi, bà chủ chỉ bàn đối diện – nơi có hai vợ chồng trung niên đang ngồi “tẩm bổ”. Trước mặt họ là xị rượu và thố sành chứa “pín” dê nghi ngút khói. Bà tếu táo: “Nếu rượu ngọc dương “ông uống, bà khen” thì món “pín” dê này là “ông húp, bà mê”.
Để quý ông càng có “động lực” để… ghiền món này, bà chủ quán còn sưu tầm được cả “kho tư liệu” để khách đọc tham khảo: “Dê là một con vật được xếp vào hàng “Lục súc tranh công” nên có khả năng “chiến đấu” với giống cái rất hăng và sung. Đặc biệt, dê đực có khả năng quan hệ với hàng chục nàng dê cái cùng 1 lúc nên theo thuyết “ăn gì bổ nấy” thì pín dê là món ăn cả thiện “bản lĩnh đàn ông”.
“Giá “pín” dê trung bình khoảng 400.000 đồng/bộ. Hỏi cô nhân viên, “mỗi ngày quán “thịt” bao nhiêu con dê”. “Khoảng 20 con anh à”, cô trả lời chắc nịch. “Nãy giờ, đếm sơ sơ khách gọi cũng hơn 30 bộ “pín” rồi. Vậy “pín” đâu mà nhiều thế”. Cô nhân viên im lặng.
Một chủ quán lẩu dê quen biết bật mí: “Thiệt lòng mà nói, cũng có “pín” dê thiệt. Song, do “hút hàng” quá nên nhiều quán “mông má” “pín” bò thành “đồ xịn” để bán là chuyện bình thường”. Trong khi giới sành ăn “pín” dê còn dự đoán nhiều khả năng “pín” còn được làm từ bao tử, phần cuống được lấy từ sụn heo và phần vòi được làm từ ruột già.
Chuyện vợ tìm mua “pín” dê về cho chồng giữ “phong độ” cũng không phải là hiếm. Để có món canh ngẩu “pín” dê “độc nhất vô nhị”, chị Trần Ngọc Tr. (quận 5, TPHCM) đã kết hợp giữa pín dê hầm với các vị thuốc nhục dung, kỷ tử, rượu vang, hạt tiêu, gừng tươi, hành, mỡ và gia vị. Chị chia sẻ: “Ông xã dạo này hơi “yếu”. Các cụ nhà mình cũng bảo rồi, “ăn gì bổ nấy” nên tôi mua “pín” dê về tẩm bổ giúp chồng bổ thận tráng dương, cải thiện “cải lĩnh đàn ông”.
Chị Tr. rành rọt cho biết thêm: “Nên mua “pín” dê tươi sống, chứ không nên mua loại đã qua chế biến sẵn, toàn “hàng nhái” thôi. Một bộ “pín” đầy đủ phải có cuống ít nhất dài 10 cm”.
Chưa hết, chị Tr. Còn bắt chồng phải xơi món “sinh tố dê. Đó là hỗn hợp rượu trắng, máu dê và trái cây được pha chung với nhau. “Món này ác chiến lắm. Những ai kém cỏi “khoản ấy”, di mộng tinh, đau lưng, mỏi gối… uống vào là trị được hết”, chị khẳng định chắc nịch.
Dù ly rượu bốc mùi tanh tanh, nhưng vì hạnh phúc của “tổ ấm”, ông chồng cũng nhắm nghiền mà nốc. Chẳng biết “ông uống, bà khen” đến đâu, nhưng ông chồng móc họng nôn thốc tháo, rồi bị “Tào tháo rượt” suốt mấy ngày.
Chị Tr. Cũng tiếc đứt ruột: “Trong 6 tháng, hơn 40 chiếc “pín” và bình rượu “pín” dê ngâm đã được ông xã “tiêu thụ”. Song tới nay, chuyện luyện “nội công phòng the” của ông xã vẫn chưa được cải thiện là mấy”.
Chuyện người vợ cất công đi “lùng” bằng được pín cọp cho chồng tẩm bổ chẳng phải là chuyện hiếm. Ông T. – một người sành sỏi và ngán ngẩm chuyện “ăn gì bổ nấy” đã chia sẻ: “Trước đây, tôi toàn bị cho ăn pín cọp đểu. Giờ nghĩ lại thấy mình dại bởi hổ đâu mà nhiều thế để cắt pín. Tìm hiểu ra thì mới biết, đó là pín giả từ gân trâu bò. Còn với đề “chuyện ấy” thì chẳng khá hơn được”.
Vì việc “ăn gì bổ nấy” vẫn luôn là đề tài “nóng” nên thỉnh thoảng lại nghe được câu chuyện, một quý ông được vợ “tẩm bổ” pín dê quá đà mà phải nhập viện điều trị; quý ông khác thì bị ngộ độc thực phẩm vì dùng phải pín cọp giả.
Chị Tr. tếu táo nói: “Tôi đã mua đủ thứ “thần dược” linh vật để tẩm bổ cho chồng, song chẳng thấy “hiệu quả” gì. Nếu xui mà dùng trúng “hàng giả” có khi phản tác dụng, “chả làm ăn” được gì thì mất vui. Thôi, cứ để ông xã “khỏe tự nhiên” cho nó lành. Được tới đâu hay tới đó”.