Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ước tính nước ta cứ 100 người có đến 20 người nhiễm virus viêm gan B. Người bị nhiễm virus viêm gan B có xác suất ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường. Những con số này đã đưa Việt Nam lên vị trí nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, 10 người nhiễm virus viêm gan B thì 9 người không hay biết mình mắc bệnh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc 90% trong số đó không biết mình đang đối mặt với “tử thần” xơ gan và ung thư gan.
Trường hợp điển hình là bệnh nhân Vàng A Súa (huyện Mường Nhé, Điện Biên) – du học sinh học tại Trung Quốc theo diện chính sách của nhà nước. Sau một năm du học, Súa phải về nước vì mắc virus viêm gan B mạn tính thể hoạt động, các chỉ số virus ở mức báo động, có nguy cơ tiến triển thành xơ gan.
Trước đây, Súa từng gặp những cơn đau tức hạ sườn, mệt mỏi, chán ăn kéo dài liên tục, nhưng bản thân em cũng chỉ nghĩ do đau bụng bình thường, mà không thể ngờ rằng đang mang trong người căn bệnh viêm gan B.
Với diễn biến âm thầm, bệnh viêm gan B có rất ít triệu chứng, đặc biệt là giai đoạn đầu triệu chứng rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với bệnh khác, người bệnh thường tình cờ phát hiện ra khi kiểm tra sức khỏe. Mặc dù, nhiều người bị nhiễm virus viêm gan B có thể sống lâu và khoẻ mạnh, nhưng vẫn có tới 10-40% bệnh nhân sẽ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến 30.000 người Việt tử vong mỗi năm.
Theo GS.TS.TTND Nguyễn Văn Mùi – nguyên Phó giám đốc, Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 103: “Virus viêm gan B có thể từ trạng thái ngủ sang trạng thái hoạt động và tiến triển rất nhanh. Nếu như không tầm soát và kiểm tra thường xuyên với chu kỳ khám 6 tháng đến một năm thì rất có thể bỏ sót giai đoạn virus phát triển. Lúc đó người bệnh có thể đã bị xơ gan. Vì vậy, việc thường xuyên kiểm tra tầm soát virus viêm gan B là vấn đề mỗi người bệnh cần lưu ý, để sớm có phương pháp điều trị phù hợp nhằm ngăn ngừa, làm chậm quá trình xơ gan, hạn chế ung thư gan”.
Do vậy, người bệnh viêm gan B cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe để ngăn chặn sự phát triển bệnh và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Người bệnh viêm gan B được chỉ định điều trị bằng thuốc, phải tuyệt đối tuân thủ phác đồ của bác sĩ, tuyệt đối không chủ quan, cần đi khám định kỳ 3-6 tháng/lần để điều trị sớm và tích cực loại trừ hoặc giảm thiểu tình trạng viêm gan, ngăn ngừa, làm chậm tiến triển sang giai đoạn xơ gan, ung thư gan.
Ngoài ra, việc thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống là rất quan trọng, giúp giảm bớt gánh nặng cho gan, ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển biến xấu khó kiểm soát.