Sẵn sàng quay về giúp nơi cũ
Cô Hoàng Lan, giảng viên tại một trường ĐH ở TPHCM, chia sẻ về trường hợp nghỉ việc của sếp nơi chỗ làm trước đây.
Lần đó, sếp thông báo về kế hoạch nghỉ việc. Dù đã có kế hoạch mới và không có sự ràng buộc nào nhưng khi ban lãnh đạo thuyết phục, ông đồng ý kéo dài thời gian làm việc thêm một năm. Có lẽ, ông thấy cần có trách nhiệm và để cơ quan chủ động sắp xếp.
Ngày chia tay, trước hội đồng trường, sếp khiêm tốn cảm ơn nhà trường đã tạo nhiều cơ hội học hỏi và trưởng thành. Mọi người rất xúc động. Sau đó, ở các bộ phận sếp quản lý đều làm tiệc chia tay với sếp.
“Ông đã ở lại làm việc thêm một năm. Mà sau đó, khi cơ quan cũ cần lục lại hồ sơ, cần sếp thông tin liên quan. Ông vẫn vui vẻ để về trường hỗ trợ”, cô Lan kể.
Cô Lan và nhiều đồng nghiệp xem ông như một tấm gương trong ứng xử trong hành trình nghề nghiệp, khi cần “nhảy việc” sau này.
Một câu chuyện tương tự về cách ứng xử khi chia tay. Anh Hồ Quốc Minh (ở Phú Nhuận, TPHCM) từng làm việc tại công ty điện tử và nay quyết định nghỉ việc vì gặp vài sự cố. Anh thấy không hoàn toàn thích hợp để phát triển nơi đây.
Không âm thầm nghỉ việc, trước đó, anh đã gặp và trao đổi với sếp. Sau khi lắng nghe, vị sếp đã tôn trọng lựa chọn và đồng ý để anh nghỉ bất cứ lúc nào.
Anh Hồ Quốc Minh đã ở lại hai tuần để bàn giao lại cụ thể cho những người liên quan. Anh còn tranh thủ hỗ trợ và hướng dẫn cho một số đồng nghiệp về chuyên môn.
Nghỉ đã gần 2 năm, Minh vẫn thường xuyên qua công ty cũ đi ăn trưa. Khi sếp hay đồng nghiệp cũ cần anh hỗ trợ về chuyên môn, anh đều không nề hà chút nào.
Chia tay cần văn minh
Quan điểm chia tay là “hết” hoặc “từ mặt” không chỉ có trong quan hệ vợ chồng, đôi khi lại diễn ra trong môi trường công sở. Không ít doanh nghiệp, cơ quan khốn đốn khi người nghỉ việc quay lại “ném đá” nơi cũ. Thậm chí, người cũ còn ăn cắp thông tin và khách hàng của nơi cũ.
Ngược lại, người đã muốn dứt áo ra đi vẫn không được yên khi công ty cũ gây khó dễ bêu rếu, chê bai đủ kiểu.
Chuyển việc là điều bất kỳ ai cũng có thể trải qua. Nhất là ở thời đại dịch như hiện nay, một người có thể “nhảy việc” rất nhiều lần trên con đường sự nghiệp của mình. Trong bối cảnh đó, cách cư xử khi nghỉ việc thể hiện văn hóa, sự chuyên nghiệp luôn là điều cần được tôn trọng và áp dụng.
Khi làm việc có thể không tránh được những mâu thuẫn, hiểu lầm nhưng bài học ai cũng cần là khi “đến” văn minh và khi “đi” lịch sự.
Chị Lê Thu Phương, làm việc tại một tòa soạn báo ở TPHCM cho biết, cách đây nhiều năm, cơ quan có chia tay anh Thành – một người đồng nghiệp chuyển việc.
Trước khi nghỉ, anh bàn giao lại hồ sơ, công việc rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng cho từng người.
Anh Thành đã dùng một email mới (email nội bộ bị khóa khi nhân viên nghỉ việc) kết nối với tất cả mọi người để phòng khi mọi người cần trao đổi lại thông tin.
Hôm chia tay, mọi người ở cơ quan còn góp tặng “người ra đi” chiếc laptop để anh thuận tiện khi đến làm chỗ mới. Sếp chào anh với lời nhắn: “Bất kể khi nào em muốn quay về, nơi này luôn chào đón”.
Cơ duyên vẫn còn. “Vài năm sau người anh này quay trở lại. Giờ anh em trong cơ quan vẫn đùa: “Anh Thành trả lại lại laptop đê!”. Chị Phương xúc động kể và cho hay, bên cạnh hiệu quả trong công việc, điều cần nhất ở môi trường làm việc, chính là tình đồng nghiệp.
Anh Hồ Quốc Minh bày tỏ nguyên tắc làm việc ở nhiều nơi, khi nghỉ việc sẽ không đột xuất và nếu cần sẽ hỗ trợ tối đa nơi cũ. Đồng thời, anh tuân theo quy định bảo mật thông tin, không lôi kéo khách hàng, nhân sự, nói xấu công ty cũ…
Giờ làm quản lý, khi nhân viên nghỉ việc, anh Minh luôn tâm niệm: “Không gây khó dễ cho người muốn ra đi và “tiễn” nhau sao cho vừa đúng luật vừa có tình. Trên đường đời, chúng ta còn gặp nhau nhiều. Mất gì mà không chọn một cách ứng xử với nhau thật nhẹ nhàng”.