Dư luận những ngày gần đây đang bàn tán rất sôi nổi về chuyện đánh đòn trẻ để… giáo dục. Chắc chắn, không cần bàn cãi, đó thực sự là một cách giáo dục. Nhưng cách giáo dục này chủ yếu là nhằm hướng đứa trẻ “tuân thủ” con đường mà bố mẹ nó đang dẫn dắt, buộc phải đi theo.
Ở Việt Nam, cũng như một số nước Đông Á khác, nhiều bậc cha mẹ tự cho mình là “chuẩn mực”, tất cả những gì họ nói hay nghĩ đều “phải” đúng. Con cái phải có trách nhiệm nghe theo và làm theo. Nếu không thì đó là đứa trẻ hư hỏng!
Ví dụ, một ông bố làm “quan” với không ít bổng lộc, và còn nhận được sự “tung hô” của các “thuộc cấp”. Ông cho mình là người thành công, và cũng muốn đứa con mình đi theo con đường ấy. Nhưng, nếu như đứa trẻ muốn vào đời bằng con đường khác, muốn cuộc sống của nó sau này hướng tới những thứ giá trị khác, thì lập tức phải nhận sự “uốn nắn” của ông bố – ban đầu là những lời nói, mà nói không hiệu quả thì… đánh đòn!
Hay, gia đình nọ mặc dù giàu có nhưng sống ích kỷ, không bao giờ nghĩ tới lợi ích của người khác, mà chỉ bo bo những mối lợi cho riêng mình. Đứa con nhận thấy những điều đó, ban đầu nó lấy làm xấu hổ với bạn bè. Nhưng đến một ngày nào đó, nó sẽ phản ứng lại lối sống đó với chính cha mẹ mình. Hẳn, trong trường hợp này người cha người mẹ sẽ lấy làm tức tối, không ngần ngại nện cho nó một trận ra trò vì dám chê bai “bề trên”!
Cha mẹ và con cái là những đại diện của 2 thế hệ trong một gia đình. Thế hệ trước sinh trưởng trong điều kiện, môi trường khác, nên không ít quan niệm, cách suy nghĩ và hành động khó có thể giống 100% so với thế hệ sau. Nhưng họ vẫn muốn bấu víu vào những lề lối cũ, muốn con mình phải “kế tục truyền thống”, bất chấp những khác biệt về thời cuộc và tư duy mang tính thế hệ. Những phụ huynh có thể coi đó là những dấu hiệu của sự “hư hỏng”.
Trong bối cảnh đó, mâu thuẫn nảy sinh là tất yếu. Và một khi không “buộc” con mình đi đúng con đường đã được cha mẹ lựa chọn, thì họ rất có thể sử dụng đến đòn roi.
Dân gian có câu: “Cá không ăn muối cá ươn/ Con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư”. Tư duy này chính là “điểm tựa”, là “chuẩn mực” để nhiều phụ huynh bắt buộc con phải “noi gương” mình để sống, để tiến thân.
Nhưng thực ra, thứ “đạo lý” đó được tạo nên từ “thành trì” của tư tưởng Khổng giáo, với mối quan hệ “Quân – Sư – Phụ” tưởng như “bất di bất dịch”, để duy trì chế độ phong kiến suốt mấy nghìn năm ở phương Đông. Và đến giờ thì nó đã lỗi thời – ít nhất là xét trong mối quan hệ xã hội, với mọi thành tố đều được đặt trong mối tương quan bình đẳng.
Đứa trẻ, dẫu có hạn chế về kinh nghiệm sống, về nhiều kỹ năng mà cuộc đời chưa kịp “dạy bảo”, thì vẫn là một thực thể có đầy đủ các quyền của một con người. Trong đó, quan trọng hàng đầu là quyền được tự lựa chọn cách sống, nghề nghiệp, hướng đi cho tương lai. Đó cũng chính là những yếu tố cơ bản để tạo nên nhân cách của một con người đúng nghĩa.
Không có chỗ cho sự áp đặt ở trong đó!
Đòn roi, suy cho cùng, chỉ là hiện thân của sự áp đặt một cách thô bạo. Một khi, cha mẹ không còn đủ khả năng thuyết phục đứa con bằng ngôn ngữ và hành động, bằng những bài học sâu sắc và đúng đắn từ thực tế, thì mới phải dùng đến đòn roi.
Vì thế, đòn roi không thể mang lại một nhân cách lành lặn. Nó chỉ mang đến những vết thương hằn sâu vào tuổi thơ, mà không biết đến bao giờ mới có thể chữa cho lành. Nguy hại hơn, những trận đòn còn có thể triệt tiêu khả năng phản biện – vốn được coi là một thứ động lực để phát triển nhân cách, và cả tài năng, khả năng sáng tạo, trong mỗi con người. Khi đứa trẻ chỉ còn biết răm rắp vâng lời – vì sợ hãi, khiếp nhược, thì trong tương lai, chắc chắn nó sẽ không làm được việc gì cho ra hồn!
Hãy ngừng đánh đòn, mà hãy tăng cường đối thoại một cách chân thành, bình đẳng, sòng phẳng với con cái, trên cái nền là tình yêu thương, sự tôn trọng. Bởi những đứa trẻ ấy, trước hết, là những con người độc lập, với nhận thức và tư duy độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ ai.