Cuối tuần qua, chị Loan, công nhân may một nhà máy ở quận 12 (TP HCM) ghé cửa hàng bán lẻ gần nhà mua gia vị nấu ăn và bất ngờ khi nhiều nhóm hàng dồn dập tăng giá.
“Đường, sữa, dầu ăn, mỳ tôm, mắm, bia… tôi nhẩm tính phải tăng 10-30% so với đầu năm. Thay vì chỉ mất 400.000 đồng sắm gia vị nửa tháng, nay tôi mất thêm 100.000 đồng, chưa kể mọi chi phí sinh hoạt đều leo thang”, chị Loan nói.
Từ 1/2, thuế VAT một số mặt hàng đang chịu mức 10% được giảm về 8%. Tuy nhiên, những người mua hàng như chị Loan nói “không kịp cảm nhận” được mức giảm này trên mỗi hoá đơn vì tốc độ tăng giá đang quá mạnh.
Không riêng khách mua, người bán hàng cũng thấy bất ngờ với mặt bằng giá hiện nay. Cô Ngọc, chủ sạp bán lẻ trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) từ đầu năm đến nay đã nhập bia Tiger với giá 360.000 đồng một thùng trong khi trước chỉ 330.000 đồng. Các loại bia khác cũng tăng thêm 10%.
Tương tự, với đường, mỗi bao 10 kg tăng thêm 80.000-100.000 đồng. Mỳ tôm, mắm, dầu ăn cũng tăng 10% so với đầu năm.
“Chưa có năm nào mà giá hàng hoá lại liên tục tăng trong quý I. Theo thông lệ hàng năm, giai đoạn sau Tết, sức mua yếu, các doanh nghiệp thường phải kích cầu giảm giá thì năm nay đi ngược xu hướng này”, cô Ngọc nói.
Theo cô Ngọc, chưa nhập hàng đợt mới nhưng các tổng đại lý đã thông báo đợt nhập tới giá sẽ đội lên thêm vì các nhà sản xuất nói sẽ tăng giá tiếp.
Khảo sát của VnExpress với 9 loại mặt hàng thiết yếu cho thấy, ngoại trừ giá thịt heo giảm, giá gạo tăng nhẹ, còn lại đều tăng mạnh trên hai chữ số so với một năm trước đây. Trong đó, tăng mạnh nhất là giá đường trắng, giá xăng, gas, nước mắm…
Với nhóm dầu ăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng 120% so với năm trước đó và 30% so với đầu năm. “Chúng tôi đang rất đau đầu cân đối chi phí để chỉ tăng ở mức thấp nhất. Sau khi tính toán và gồng gánh mọi chi phí thì công ty quyết định tăng mỗi lít dầu thêm 1.000-2.000 đồng tuỳ loại”, đại diện một doanh nghiệp dầu ăn nói.
Còn nhóm bia, theo các doanh nghiệp sản xuất, giá lúa mỳ thời gian qua tăng cao, đẩy nguyên liệu này tăng thêm 10-20% so với đầu năm.
Với sữa, đầu tháng 3, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, đơn vị nhập khẩu và phân phối sữa Abbott cũng thông báo tăng giá 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure. Trước đó, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam tăng 5% giá bán lẻ 21 sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-6 tuổi.
Từ tháng 3, nhiều loại mỳ tôm cũng đã tăng giá 10%. Trong đó Omachi, Hảo Hảo, Đệ Nhất… tăng từ 1.000-2.000 đồng một gói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp về ngành hàng tiêu dùng ở TP HCM cho biết buộc phải điều chỉnh giá bán sỉ và lẻ. Chi phí nhân công tăng cao, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào quý I tiếp tục tăng 20% so với hồi đầu năm và tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Kajiwara Junichi – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, hiện nay chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu và vận chuyển đều tăng. Acecook Việt Nam đã cố vượt qua nhiều đợt tăng giá khác nhau đến nay buộc phải tăng giá bán và áp dụng từ 1/3.
Một vài doanh nghiệp khác chưa tăng giá nhưng cho biết “đây là điều khó tránh khỏi” khi phải chịu áp lực tương tự.
Ông Trương Chí Thiện – Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt – cho biết, sau 7 đợt giá xăng dầu liên tiếp đi lên cộng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các đối tác cung cấp nguyên liệu đã thông báo kế hoạch tăng giá. “Tất cả mối cung cấp nguyên liệu từ bao bì, hộp đóng gói cho tới giá thức ăn đều báo tăng 10-20%. Với đầu vào tăng cao, công ty đang lỗ 100-200 đồng một trái trứng”, ông Thiện nói.
Công ty này chưa thể tăng giá để bù lỗ vì đã ký kết với chương trình bình ổn thị trường (cam kết trước và sau tết một tháng không tăng giá). Nhưng ông Thiện tính toán, đầu tháng 4 khi bước sang chương trình bình ổn mới sẽ xin Sở Tài chính TP HCM cho điều chỉnh giá. “Mọi thứ đều tăng, tạo áp lực rất lớn lên doanh nghiệp. Đầu tháng 4, giá trứng cũng sẽ buộc phải tăng theo”, ông Thiện chia sẻ.
Cùng với thực phẩm, xăng, gas tăng vọt, theo các doanh nghiệp sản xuất, giá nguyên liệu ngành dệt may, thép, gỗ… cũng đang đi lên “chóng mặt”. Đặc biệt, giá thép và gỗ những ngày qua liên tục tạo đỉnh mới.
Ngày 10/3, các doanh nghiệp tăng giá thép xây dựng thêm 250-810 đồng một kg so với 4 ngày trước đó. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép đã tăng 4 lần liên tiếp, riêng loại thép xây dựng đã vượt mốc 18.000 đồng một kg.
Trong báo cập nhật ngành này mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, giá bán thép và giá thành sản xuất sẽ tăng do giá năng lượng đi lên, đặc biệt khi Nga là nước xuất khẩu quan trọng trên thế giới.
Cùng với VCBS, Chứng khoán VnDirect nhận định, không chỉ thép mà giá hàng hoá toàn cầu đang tăng lên đỉnh 14 năm. Chỉ số S&P GSCI, thước đo bao quát giá các nguyên vật liệu thô, đã tăng 5,02% trong phiên đầu tháng 3 và tiếp tục tăng thời gian tới. Giá năng lượng tăng đã kéo theo hiệu ứng chi phí đẩy lên giá kim loại, trong đó, nhôm có lúc tăng 3,6% lên đỉnh mới 3.850 USD một tấn trên sàn giao dịch kim loại London. Giá đồng cũng cận kề đỉnh thời đại. Giá quặng sắt tương lai tại Singapore trên đà tăng 15%, mạnh nhất hơn 3 tháng.
Giá lúa mỳ lên cao nhất từ năm 2008 vì lo ngại thiếu cung toàn cầu do cuộc chiến ở Ukraine làm mất khoảng 25% sản lượng xuất khẩu của mặt hàng thiết yếu này. Gánh nặng lên các chuỗi cung ứng chỉ vừa mới cải thiện sau đại dịch giờ lại càng trầm trọng thêm khi Mỹ, châu Âu và đồng minh áp lệnh trừng phạt lên Nga.
VnDirect dự báo, giá hàng hóa sẽ tiếp tục gia tăng và gây áp lực lên lạm phát toàn cầu, chứ không riêng Việt Nam.