Trong bài viết trước, chúng tôi đã nói về thực trạng một số vụ án gây bức xúc trong dư luận vì người gây án trước giờ xét xử bỗng đâu kiếm được giấy chứng nhận là bệnh nhân tâm thần. Do chính sách khoan hồng của pháp luật ta không xử phạt những người không đủ năng lực nhận thức, điều khiển hành vi nên những người có giấy chứng nhận tâm thần bị miễn truy tố dù tội nặng đến đâu. Thay vào đó, họ được đi chữa trị.
Điều mà nhiều người thắc mắc hiện giờ là làm thế nào để có giấy tâm thần trình ra trước tòa án? Người bình thường thì chẳng ai muốn bị tâm thần làm gì nhưng cũng có kẻ muốn học Tôn Tẫn giả điên để thoát hiểm. Trong truyện Tôn Tẫn muốn giả điên để lừa Bàng Quyên thì phải nhịn nhục nếm phân còn hiện giờ Tôn Tẫn có ngậm phân cũng khó qua mắt các giám định viên khi việc giám định được tiến hành vô cùng chặt chẽ.
Việc giám định một người có bị tâm thần hay không cũng khá giống với công việc xét xử của quan tòa. Chẳng hạn ở tòa khi xét xử sơ thẩm thì hội đồng xét xử có 3 người (1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân), khi lên phúc thẩm thì hội đồng xét xử là 5 người (3 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân).
Còn hội đồng giám định pháp y tâm thần thông thường có 3 giám định viên tham gia. Trường hợp phức tạp, có khó khăn trong việc xác định bệnh cũng như đánh giá năng lực hành vi thì có thể có 5 giám định viên tham gia. Trường hợp giám định lại lần thứ hai, có tính chất phức tạp, có sự tham gia của nhiều chuyên khoa khác nhau thì có thể mời thêm chuyên gia về giám định pháp y tâm thần, nhưng tổng số không quá 09 người/01 ca giám định. Nếu hội đồng xét xử ở tòa là các chuyên gia về pháp lý thì hội đồng giám định pháp y tâm thần là các chuyên gia, bác sỹ chuyên ngành tâm thần, đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm là giám định viên pháp y tâm thần hoặc là người giám định pháp y tâm thần theo vụ việc.
Các giám định viên được theo dõi hoạt động của đối tượng trực tiếp hay qua camera (tối đa 6 tháng). Họ còn dựa trên các hồ sơ mà cơ quan điều tra cung cấp để xem các hành vi của đối tượng có thực sự mang yếu tố bệnh lý hay không. Chưa hết, các giám định viên còn được cung cấp một loạt tài liệu quan trọng khác bao gồm: Nhận xét của cơ quan hoặc chính quyền địa phương về đối tượng giám định; nhận xét của y tế địa phương về tình hình bệnh tật của đối tượng giám định, có xác nhận của Trưởng trạm y tế xã, phường, thị trấn; nhận xét của 2 người hàng xóm trở lên (người không có quan hệ họ hàng, thân thích với đối tượng giám định); báo cáo của gia đình về đặc điểm, tình hình bệnh tật, quá trình phát triển từ nhỏ tới hiện tại của đối tượng giám định, trong đó cần nêu rõ việc có hay không sử dụng rượu, ma tuý của đối tượng giám định; Bản sao bệnh án của cơ sở y tế đã khám và điều trị bệnh cho đối tượng giám định, các tài liệu liên quan đến khám chữa bệnh của đối tượng giám định…
Với một quá trình chặt chẽ như vậy thì rất khó có thể giả điên qua mắt được các chuyên gia. Thế nhưng, tại sao vẫn có chuyện chạy được giấy tâm thần trước khi ra tòa xử? Đến mức mà ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An cũng phải lên tiếng trong kỳ họp quốc hội vừa qua: “Hiện nay tình trạng chạy án bằng giám định tâm thần diễn ra rất phổ biến. Nhiều đối tượng giết người, cướp tài sản, buôn bán ma túy nhưng sau đó muốn thoát tội tử hình thì giám định tâm thần. Đây là một thực tế”.
Câu trả lời cho vấn đề chạy án bằng giám định tâm thần xin để dành cho cơ quan chức năng, đặc biệt là các ban ngành liên quan đến việc giám định tâm thần.