“Hội chứng hậu nghỉ Tết” bắt nguồn từ cảm giác luyến tiếc giây phút nghỉ ngơi thoải mái khi phải quay lại guồng quay công việc, áp lực. Mọi người có thể dễ dàng bắt gặp đồng nghiệp của mình tiếp tục việc dang dở trong tâm thế mệt mỏi, chán chường và dễ bị sao lãng.
Hiếu Hoà, 36 tuổi, trưởng phòng kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu tại TP HCM, cho biết: “Cứ mỗi lần trở lại công ty sau Tết, tôi lại thấy mình làm việc rề rà. Cứ cố gắng làm một chút lại bị mất tập trung, quay qua lướt web. Đến cuối ngày chẳng có việc nào làm xong, trong khi cơ thể rất mệt mỏi”.
Nguyên nhân xuất phát từ việc mất cân bằng dinh dưỡng: ăn uống không đủ bữa, bỏ bữa hoặc tiêu thụ quá nhiều chất đạm, béo hay chất có cồn. Bên cạnh đó, nhiều người có tâm lý “vui chơi buông lơi ngày tháng”, thức khuya, dậy trễ, ảnh hưởng đồng hồ sinh học thường ngày. Do đó cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi và chậm chạp.
Để khắc phục tình trạng trì trệ, thiếu sức sống và lấy lại động lực làm việc, trước tiên mọi người cần điều chỉnh đồng hồ sinh học, thực hiện lối sống khoa học và cân bằng. Có thể khởi động ngày đầu năm bằng những cách sau đây:
Tập thể dục nhẹ nhàng
Những bài tập đơn giản hay đi bộ 10 phút có thể giúp giải phóng năng lượng, điều hòa hoạt động cơ thể. Bạn có thể ngồi thiền 15 phút mỗi sáng ngay khi thức dậy hoặc tham gia các lớp yoga, gym, đạp xe, chạy bộ… với cường độ nhẹ nhàng.
Ăn uống điều độ
Sau những ngày Tết đầy bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành và những món nhiều tinh bột và chất có hại, hãy điều chỉnh lượng thức ăn xanh bằng cách bổ sung rau, trái cây giàu vitamin và chất xơ… Những thực phẩm này có thể khắc phục đầy bụng, kiểm soát cân nặng và tốt cho tim mạch. Bên cạnh đó tăng cường uống nước để bổ sung khoáng chất, giúp cơ thể tái tạo và phục hồi sức sống.
Ngủ đúng giờ, đủ giấc
Hãy tạm gác những cuộc vui, quay lại nhịp độ sinh hoạt thường nhật để cơ thể dần tái tạo năng lượng và phục hồi sức lực cho ngày mới.