Đã 11 giờ sáng. Bạn có thể đang ngồi trước bàn học. Bạn biết rằng mình có 1 deadline nộp bài tập vào ngày mai. Thay vì bắt tay vào làm bài, bạn tự nhủ: “Hãy kiểm tra email trước đã, chỉ mất có vài phút thôi!”
45 phút sau đó, bạn thấy mình vẫn đang ngồi lật đi lật lại đống email, còn công việc thì vẫn chưa bắt đầu. Thế nhưng đã đến giờ nghỉ trưa, bạn cảm thấy đói bụng và mệt mỏi. Bạn quyết định mình không nên bắt đầu công việc vào lúc này. Thế là bạn rời khỏi bàn học và nghỉ ngơi khi chưa bắt tay vào làm gì cả. Đến buổi chiều, bạn tiếp tục có một lý do khác tương tự và thế là vòng lặp trì hoãn cứ tiếp diễn mãi cho đến phút cuối cùng.
Cảnh tượng này có quen thuộc với bạn không? Thay vì bài tập, công việc mà bạn cố hết sức trì hoãn đó có thể là một bản báo cáo công việc, kế hoạch dự án cho công ty, hay thậm chí là những công việc cực kì quan trọng khác. Tuy nhiên, dù chúng có hệ trọng đến mức nào cũng không thể ngăn bạn trì hoãn đến phút cuối cùng rồi mới vắt chân lên cổ để hoàn thành.
Hẳn là bạn đã từng tự mắng bản thân rất nhiều lần sau mỗi lần hụt hơi chạy deadline như vậy. Kèm theo đó là việc tự trách bản thân là kẻ thiếu ý chí/ vô tổ chức/ thiếu động lực…
Tin tốt cho bạn: theo Nic Voge – Giám đốc điều hành trung tâm giáo dục của đại học Princeton tại Mỹ, thói trì hoãn không phải là một điều gì đáng xấu hổ. Trái lại, trì hoãn là một phản ứng tự nhiên của con người.
Trong nhiều năm thiết kế các chương trình giảng dạy cho đại học Princeton, tiếp xúc và hỗ trợ nhiều sinh viên đại học gặp khó khăn trong việc học tập vì thói trì hoãn, Voge cho rằng nguồn gốc của thói quen này nằm ở cách chúng ta nhìn nhận năng lực của bản thân. “Tư duy của những người thích trì hoãn thực ra rất đơn giản”, Voge nhận xét, “họ tự đánh giá giá trị của bản thân thông qua kết quả làm việc của mình, cụ thể như điểm số trên lớp, những lời đánh giá của công ty, những giải thưởng họ đạt được… Khi họ thất bại trong công việc, họ tin rằng lý do nằm ở việc họ yếu kém, không có tài năng và không có giá trị gì với xã hội.”
Điều này gián tiếp dẫn đến thói quen trì hoãn khi làm việc. Chúng ta không thể kiểm soát được kết quả công việc một cách chắc chắn, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được việc mình bỏ ra bao nhiêu công sức làm việc. Khi ta trì hoãn làm việc, nghĩa là bỏ ra ít công sức/thời gian để làm việc hơn, chúng ta có lý do để biện hộ cho bản thân nếu kết quả không như ý muốn.
Đó cũng là lý do tại học sinh hay than vãn rằng mình chưa chuẩn bị bài kĩ trước khi vào phòng thi, dù cho họ có thể đã dành hàng tháng trời ôn tập kĩ lưỡng. Hay khi đồng nghiệp luôn kêu ca rằng họ chưa kịp chuẩn bị gì cho buổi họp, dù họ đã chau chuốt bài thuyết trình rất nhiều lần. Bởi vì chỉ khi làm như vậy, nếu kết quả cuối cùng không như ý muốn, chúng ta cũng có một lý do để an ủi bản thân: rằng chúng ta thất bại không phải vì mình kém cỏi, mà chỉ bởi mình chưa làm tốt nhất có thể mà thôi.
Và như vậy, nhiều người bị mắc kẹt trong vòng lặp của sự trì hoãn. Chúng ta bị giằng xé giữa thôi thúc phải hoàn thành công việc và nỗi sợ thất bại. Chỉ đến khi nỗi sợ về việc không hoàn thành công việc đúng thời hạn lớn hơn tất cả, chúng ta mới buộc phải vượt qua những lo lắng thất bại và làm việc.
Với những ai đang cảm thấy bế tắc trước tình trạng này, sau đây là 3 chiến lược hiệu quả mà Voge khuyến khích mọi người thực hiện:
1. Nhận ra khi nào bạn đang có dấu hiệu trì hoãn
Sự trì hoãn có thể rất hiển nhiên, như khi bạn muốn xem nốt một tập phim trước khi ngồi vào bàn học bài. Nhưng đôi lúc, bạn sẽ có rất nhiều lý do có-vẻ-chính-đáng để trì hoãn công việc bạn phải làm, như dọn dẹp nhà cửa, kiểm tra email/tin nhắn, sắp xếp lại bàn làm việc, và vô vàn việc lặt vặt tương tự như vậy.
Vào những lúc như thế, hãy tự hỏi bản thân: liệu việc này có phải việc bạn cần làm vào lúc này không? Liệu dọn dẹp bàn làm việc/ kiểm tra email… có giúp mình hoàn thành công việc mình cần làm không?
Câu trả lời là: nếu bạn phải tự hỏi bản thân những điều trên, thì 90% là bạn chỉ đang kiếm cớ để trì hoãn công việc rồi.
Theo thời gian, hãy chú ý ghi chép lại những hoạt động mà bạn thường lặp lại khi muốn trì hoãn. Mỗi chúng ta thường sẽ có những công việc mà ta hay sử dụng để làm cái cớ cho sự trì hoãn như dọn dẹp lặt vặt, đọc email, lướt mạng xã hội, hay đi mua sắm. Việc ghi nhớ những “hố đen” này giúp bạn tự cảnh báo bản thân mỗi khi nảy sinh ý định trì hoãn công việc.
2. Cân bằng động lực làm việc với nỗi sợ hãi thất bại
Nguyên nhân sâu xa của sự trì hoãn là khi nỗi sợ về việc thất bại trong công việc lấn át động lực làm việc. Do đó, để lấy lại động lực, hãy nghĩ về tất cả những lý do bạn cần phải làm việc. Hãy tự nhắc lại bản thân về ảnh hưởng của công việc này tới những mục tiêu lớn hơn trong cuộc sống, ví dụ như hoàn thành công việc là một phần giúp bạn thăng tiến, hay làm bài tập giúp bạn vượt qua kì thi cuối cấp với kết quả tốt.
Một tip hữu ích không kém để hoàn thành những công việc phức tạp là dành thời gian chia nhỏ công việc ấy ra những phần nhỏ hơn, dễ thực hiện hơn. Tuy nhiên, đừng biến việc lên kế hoạch thành một cái cớ khác để trì hoãn nhé!
3. Hãy thay đổi cách ta đánh giá giá trị bản thân
Theo Voge, có rất nhiều cách để chống lại sự trì hoãn, nhưng cách làm triệt để nhất là giải quyết nguồn gốc tâm lý của thói quen này. “Chúng ta cần thay đổi cách đánh giá giá trị của một con người”, Voge nhấn mạnh, “Giá trị của bạn không chỉ đơn thuần nằm ở năng lực làm việc hay học tập. Giá trị ấy còn thể hiện qua những phẩm chất tốt đẹp cũng như tâm hồn của mỗi con người.”