Thời nay, đám cưới có vẻ như là một mối làm ăn hời nhất của các gia đình thì phải. Tôi về quê, nhân một ngày cuối tuần, mẹ bảo tôi đi hộ mẹ một cái đám cưới, vì nhà nhận được ba tấm thiệp mời cùng một ngày nên phải chia nhau: ba một cái, mẹ một cái, tôi một cái.
Tôi cầm thiệp, hỏi, người này là ai sao thấy lạ, ba tôi nói với giọng rất hờ hững: bạn học của ba, đám cưới con của cô đấy. Ba bảo ngày xưa cũng chẳng thân thiết gì mấy, mà cũng lâu rồi chẳng liên lạc, nay đám cưới thì cô ấy vào gửi thiệp, cũng không bước xuống xe vào được tận nhà mà ngồi luôn trên xe, gọi ý ới ngoài cổng cho ba ra nhận thiệp.
Tôi hỏi: “Thế ba có đi không?” Ba tôi chậc lưỡi: “Không đi coi sao đặng? Người ta mời là đã tính phần mình rồi”. Không biết, thông lệ nào, có từ bao giờ mà cuối năm là thiệp cưới cứ dồn dập. Tôi nhớ, ngày trước đám cưới là chọn ngày lành tháng tốt cho đôi vợ chồng trăm năm hạnh phúc, còn ngày nay, cưới là chọn ngày nào khách mời có thể tham dự đông đủ nhất – tức cuối tuần.
Đi ra đường gặp nhau sẽ nghe những câu đại loại như: “Ông A,B,C có mời cưới anh/ chị không?”, hay những câu thở dài: “Nhà tui những ba, bốn cái thiệp trong tuần này”. Ngày xưa, đám cưới là cả nhà cùng đi, bởi họ hàng thân thiết, đến từ hôm trước để phụ giúp, nấu nướng bày tiệc. Còn ngày nay, đám cưới thì chỉ một người đi đại diện, đến đúng giờ, ăn xong rồi về.
Có khi còn chưa kịp bắt tay chúc mừng đôi uyên ương thì phải ra về vì thời gian hạn hẹp mà khách mời thì quá đông. Sau đám cưới, người ta sẽ bàn với nhau: “Nhà ông ấy đám cưới lời gần cả trăm triệu…” rồi cũng có người sẽ bĩu môi: “Đấy, nợ đấy, sau này còng lưng mà trả”.