Năm nay có tất cả 17 KTS gửi hồ sơ, Việt Nam có hai hồ sơ của KTS Hoàng Thúc Hào và KTS Võ Trọng Nghĩa. Và KTS Hoàng Thúc Hào đã vinh dự nhận được giải thưởng danh giá này.
Theo thể lệ, người dự giải phải do một nhân vật có uy tín đề cử, hồ sơ xét giải bao gồm tối thiểu năm công trình cùng với thuyết trình về tư tưởng thiết kế.
Trong thư đề cử KTS Hoàng Thúc Hào, TS Nirmal Kishnani, chuyên gia về kiến trúc xanh, giảng viên cao cấp tại Khoa Kiến trúc, ĐH Quốc gia Singapore, Tổng biên tập tạp chí Future Arc, viết:
“Đồ án Nhà cộng đồng Suối Rè của Hoàng Thúc Hào là một ví dụ thực tiễn trong cuốn sách ‘Xanh hóa châu Á’ (Greening Asia) phát hành năm 2012 của tôi. Tôi chọn công trình này bởi sự nhạy cảm của nó với khí hậu và cộng đồng, điều tôi nhận thấy rất có ý nghĩa trong bối cảnh của Việt Nam. Khuynh hướng bản địa của nó không chỉ thể hiện sự hoài cổ; mà lồng vào đó là những cách làm mới mẻ và nâng tầm, gây được sự chú ý đối với nông thôn đang bị lãng quên (trong bối cảnh thành thị luôn là trung tâm của mọi sự chú ý).
Cũng từ công trình này, Hoàng Thúc Hào phát triển sự nghiệp của mình với một loạt dự án nhà cộng đồng như nhà ở cho nông dân và công nhân, trường học cho trẻ em nghèo. Ngôn ngữ thiết kế của anh giản dị nhưng luôn ẩn chứa sự cách tân về công nghệ và kỹ thuật, nâng cao giá trị trải nghiệm trong mỗi công trình. Anh đã hợp nhất ý tưởng về hình thức và sự gắn kết với cộng đồng thành luận điểm ‘kiến trúc hạnh phúc’, được coi là nguyên lý cốt lõi trong các thực hành kiến trúc của anh: vì hạnh phúc của con người…
Kiến trúc của Hoàng Thúc Hào không chỉ nhắm đến sự bền vững của công trình, nó còn nhắm tới sự bền vững văn hóa, một khía cạnh thường bị bỏ qua ở những nước đang phát triển.”
Hồ sơ ứng viên giải SIA- GETZ của KTS Hoàng Thúc Hào bao gồm sáu công trình: Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Hòa Bình), Nhà cộng đồng Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), Làng Homestay Nậm Đăm (Hà Giang), Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An), Trường tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên), và Trung tâm hạnh phúc Quốc gia Bhutan.
“Nỗ lực đầu tiên của tôi trong lĩnh vực kiến trúc cộng đồng là dự án Nhà cộng đồng thôn Suối Rè, nơi tôi thử một cách tiếp cận mới. Đó là kiến trúc cho cộng đồng người dân ở nông thôn với những nguồn lực hạn chế về tiền bạc, nguyên vật liệu, nhân lực, và thậm chí là cả nhận thức, bởi vậy công trình này phải bền vững cũng như phải tự duy trì được sức sống của mình. Không dễ gì thuyết phục người dân địa phương tin tưởng vào dự án để rồi họ cùng tham gia xây dựng và quản lý nó; cũng như không dễ gì thuyết phục những người khác tin tưởng vào thiện chí và giá trị thực tiễn của dự án để họ đồng ý tài trợ. Dự án sau này đã thành công, cộng đồng người dân nơi đây yêu quý nó như một phần trong cuộc sống hằng ngày của mình.” – KTS Hoàng Thúc Hào
“Tôi tin rằng mỗi vùng quê đều sở hữu những giá trị to lớn về văn hóa, thiên nhiên và lịch sử vốn chưa được coi trọng tương xứng. Trong thiết kế của chúng tôi, công nghệ hiện đại đi đôi với phương thức xây dựng và vật liệu địa phương, chúng tôi hy vọng mang đến một cái nhìn đương đại cho kiến trúc bản địa. Và, trên hết, công trình phải tự duy trì được sức sống của mình, bởi nó chỉ có giá trị khi được người dân địa phương sử dụng.“ – KTS Hoàng Thúc Hào.
Các công trình khác trong hồ sơ của KTS Hoàng Thúc Hào:
Người chiến thắng được nhận phần thưởng bằng tiền mặt trị giá 20 nghìn USD và một huy chương vàng; ngoài ra, các công trình của người chiến thắng sẽ được in thành một chuyên khảo.
Giải thưởng SIA-GETZ do Viện Kiến trúc sư Singapore (SIA) và Getz Bros & Co. (Singapore) lập ra từ năm 2005 và xét trao hai năm một lần nhằm vinh danh những cá nhân có đóng góp nổi bật cho sự tiến bộ của nền kiến trúc châu Á; có nhãn quan độc đáo; đáp ứng những phát triển mới trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Cách thức vinh danh, tưởng thưởng các kiến trúc sư châu Á của giải SIA-GETZ được cho là tương tự như Giải Pritzker (“Nobel” Kiến trúc) đối với cộng đồng kiến trúc sư thế giới.