Nếu cơ thể chúng ta được ví như một toà lâu đài rộng lớn và phức tạp về kiến trúc thì Tuyến Tụy như một “lão quản gia” trung thành và cần mẫn. Tuyến Tuỵ là một phần của hệ tiêu hóa và hệ thống nội tiết. Tuyến Tuỵ có kích thước hết sức khiêm tốn (tầm hơn 15cm) hình chữ nhật và cong cong giống chữ J. Nó như một hệ thống ống dẫn thần kỳ để ổn định sức khoẻ, nó đa năng ở chỗ vừa là tuyến nội tiết và ngoại tiết (tức là vừa phụ trách đối nội, vừa phụ trách đối ngoại).
Tuỵ nằm ở khu vực dưới xương sườn và với chức năng “quản gia” của mình, Tuỵ “dành cả tuổi thanh xuân” để kiểm soát nồng độ ĐƯỜNG trong cơ thể tránh quá cao hoặc quá thấp. Mặt khác, tuỵ sinh ra một chất đặc biệt để lấy dinh dưỡng trong đống thức ăn chúng ta nuốt vào (đãi cát tìm vàng) – nhằm giữ cơ thể chúng ta luôn trong trạng thái cân bằng, khoẻ mạnh.
Chính vì chức năng đặc thù là tách dinh dưỡng từ thức ăn nên Tuỵ được tạo hoá bố trí nằm ngay sau dạ dày. Tuỵ hỗ trợ tiêu hoá bằng cách tiết ra một loại chất lỏng diệu kỳ với thành phần là: Nước, Natri HydroCacbonat (NaHCO3) và Enzim tiêu hoá.
Có thể hình dung việc chiếm lĩnh dinh dưỡng từ thức ăn được mô tả như sau: NaHCO3 sẽ đánh tiên phong làm Axit trong bao tử được trung hoà, mở đường cho quân Enzim đổ bộ với liên quân thiện chiến được phân công trách nhiệm rất rõ ràng – trong liên quân này có Lipase phân giải các chất béo, Protease phân giải Protein và Amylase phân giải CacbonHydrat tạo ra đường… “Chiến lợi phẩm” thu được sẽ hấp thụ vào máu vận chuyển nuôi cơ thể.
Nói đên đây đã thấy Tuyến Tuỵ vĩ đại cỡ nào, nhưng đó chưa là tất cả mới chỉ là 1 chức năng cơ bản của Tuỵ.
Tuỵ còn có một nhiệm vụ tối quan trọng khác đó là CÂN BẰNG lượng đường trong máu. Để làm được điều này, “Quản gia” Tuỵ sử dụng 2 hoocmon có tên: Insulin và Glucagon, 2 hoocmon này được sinh ra từ một gia đình tế bào đặc biệt có tên là TIỂU ĐẢO TUỴ.
Vì sao phải cân bằng ĐƯỜNG? Quá nhiều hay quá ít nồng độ đường trong máu đều nguy hiểm đến tính mạng. Nên tuyến Tuỵ luôn luôn sống trong tình trạng cảnh giác cao độ với ĐƯỜNG này.
Vậy nên khi ăn một bữa tiệc linh đình thì đường trong máu tất yếu tăng cao, để xử lý tình huống này thì Tuỵ cho Insulin (đã nói ở trên) đưa đường thừa trong máu vào các tế bào nơi được tiêu thụ hoặc dự trữ xài sau. Sau khi Insulin “nhốt” đường về nơi an toàn thì Insulin sẽ “liên lạc” với Gan để thông báo “đường đã nhiều và Gan không phải sản xuất thêm đường nữa”. Cơ thể an toàn.
Nhưng khi đường huyết thấp thì sao? nếu đường huyết thấp thì Tuỵ điều động Glucagon “ra tay” . Glucagon sẽ mở cửa các “trại giam ở tế bào” để đưa đường quay về với máu.
Nói đến đây, chúng ta có thể hình dung sự hài hoà, nhịp nhàng và cân bằng của Insulin vs Glucagon quyết định sự tồn vong của cơ thể. Tuỵ mạnh khoẻ thì sự cân bằng này được giữ vững, Tuỵ tự chuyển hoá, tự diễn biến thì mất công bằng trong phân bổ 2 chất này, nghĩa là sự cân bằng lành mạnh bị phá huỷ. Isulin giảm hoặc mất hẳn khi ấy TIỂU ĐƯỜNG xuất hiện , đường sinh ra thường xuyên trong máu mà không có Insulin bắt nhốt chúng sẽ làm cứng mạch máu, dẫn đến đau tim, nát thận, đột quỵ… đó là lý do người tiểu đường luôn có chỉ số Glucagon cao hơn. Cơ thể lúc này bị rối loạn trong việc hấp thụ chất.
Viêm tụy cấp thường xảy ra sau một bữa ăn thịnh soạn hoặc uống nhiều rượu. Người bệnh sẽ có cảm giác đau bụng rất dữ dội và ói liên tục. Viêm tụy mạn ngược lại diễn ra trong âm thầm, người bệnh chỉ thỉnh thoảng thấy đầy bụng, khó tiêu. Dù ở trạng thái nào thì cũng nguy hiểm.
Khi đọc đến đây sẽ có nhiều người hỏi vậy thì phải “ra lệnh” cho tuyến Tụy cân bằng để giữ sức khỏe cho cơ thể?. Nhưng mà “quản gia” vẫn chỉ là “quản gia”, vĩnh viễn không thể là chủ nhà vì vậy việc giữ gìn sức khoẻ không phải là việc riêng của tuyến Tuỵ, mà nằm ở ý thức ăn uống của con người.
Và, để tránh làm “tổn thương lão quản gia” cần mẫn chỉ có một lời khuyên “cũ rich” nhưng lại vô cùng hữu ích đó là duy trì một chế độ ăn lành mạnh, ít đường, ít chất béo, hạn chế tối đa bia rượu và UỐNG NHIỀU NƯỚC.