Nhịp tim nghỉ ngơi (Resting heart rate) là nhịp tim của một người khi đang nghỉ ngơi, không thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào. Về cơ bản, giảm nhịp tim nghỉ ngơi có thể giúp cải thiện hoạt động của trái tim, giúp bạn cải thiện sức khỏe tổng thể. Trên thực tế, nhiều vận động viên và những người trưởng thành thường xuyên hoạt động mạnh có nhịp tim nghỉ ngơi chỉ từ 40 – 50 nhịp/phút.
Nếu thấy mình đang có nhịp tim nghỉ ngơi quá cao, bạn nên thực hiện một số lời khuyên sau để giảm nhịp tim nghỉ ngơi ngay lập tức, giảm nhịp tim về lâu dài:
Giảm nhịp tim ngay lập tức
Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng lo lắng, căng thẳng quá mức có thể khiến nhịp tim tăng nhanh ngay lập tức, đồng thời làm tăng nhịp tim nghỉ ngơi về lâu dài. Theo Trường Y Harvard (Mỹ), rối loạn lo âu toàn thể (generalized anxiety disorder) có thể làm tăng nguy cơ đau tim, tổn thương tim theo thời gian.
Có một vài cách đơn giản để kiểm soát cảm giác lo lắng, giúp bạn hạ nhịp tim nhanh chóng, ví dụ như ho mạnh, ngồi thiền, thực hiện các bài tập hít thở sâu, tập yoga, đi dạo, tắm và uống nước. Tuy nhiên, nếu tình trạng lo lắng, căng thẳng thường xuyên xảy ra, bạn cũng nên chú ý cắt giảm các loại đồ uống chứa nhiều caffeine, xem xét gặp bác sỹ tâm lý để có kế hoạch kiểm soát căng thẳng hiệu quả hơn.
Giảm nhịp tim về lâu dài
Theo bác sỹ Kristin Dean (người Mỹ), làm giảm nhịp tim nghỉ ngơi về lâu dài có thể giúp trái tim hoạt động hiệu quả hơn, không cần phải hoạt động quá vất vả để có thể bơm máu đi nuôi cơ thể. “Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nhịp tim nghỉ cao có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ. Do đó, giảm tải khối lượng công việc cho trái tim có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch về lâu dài”, bác sỹ Kristin Dean cho biết.
Chưa hết, nhịp tim nghỉ ngơi quá cao cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, các bệnh tim mạch nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Cách tốt nhất để ngăn ngừa các căn bệnh này là giảm nhịp tim nghỉ ngơi bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh hơn:
Tập thể dục thường xuyên: Tăng cường hoạt động thể chất có thể giúp làm giảm nhịp tim theo thời gian, từ đó cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể. Theo đó, bạn có thể thường xuyên đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc đạp xe để giảm nhịp tim nghỉ ngơi.
Có chế độ ăn uống lành mạnh: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bổ sung acid béo omega-3 có thể làm giảm nhịp tim nghỉ ngơi. Bạn có thể bổ sung dưỡng chất này bằng cách ăn các loại cá béo, quả óc chó, quả bơ.
Bỏ thuốc lá: Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch Hellenic, những người trẻ tuổi có thói quen hút thuốc lá cũng thường có nhịp tim nghỉ ngơi cao hơn.
Nếu thực hiện các thay đổi trên không giúp giảm nhịp tim nghỉ ngơi, hoặc tình trạng nhịp tim nhanh khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó thở, hồi hộp… hãy đi khám để phòng trường hợp bạn đang gặp phải các vấn đề rối loạn nhịp tim cần phải điều trị.