Sáng 13/12, trời đổ mưa xối xả, vẫn có hơn 30 phụ huynh đưa con đến trường mẫu giáo An Hiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Càng về trưa, mưa càng trút xuống lớn hơn, nước bất ngờ dâng cao gây ngập trên diện rộng, ban giám hiệu tức tốc gọi điện yêu cầu các phụ huynh đến đón con đưa về nhà. Nhưng đến hơn nửa giờ sau, vẫn còn 13 cháu chưa được đón, trường cử 4 cô ở lại trông giữ các cháu.
Rất nhanh, nước lũ tràn về, hoàn toàn cô lập mấy cô trò trong căn phòng nhỏ. Mặc cho các cô kêu cứu khản cả giọng, tiếng mưa to cùng tiếng nước đổ về như thác muốn át đi tất cả. Lúc bấy giờ có nhiều phụ huynh đã đứng trên Quốc lộ 1, cách trường chỉ khoảng 100m, nhưng nước chảy quá xiết, không thể bơi vào để cứu giúp. Họ cầu cứu đến lực lượng cứu hộ, nhưng ngay cả cứu hộ cũng chưa thể giúp được gì, phần vì nhân lực thiếu chuyên nghiệp, phần vì không có phương tiện để có thể chống chọi với dòng nước lũ hung hãn.
“Nước lên rất nhanh, chảy xiết như thác, chỉ trong vòng hơn 10 phút đã dâng đến ngực người lớn. Giữa tình thế cấp bách ấy, chúng tôi không còn cách nào khác phải hướng dẫn các con bám lên các thanh ngang cửa sổ, một số thì cho trèo lên nóc tủ hồ sơ. Chỉ có 4 cô, mỗi cô phải chia nhau để “phụ trách” 3 cửa sổ và 1 tủ hồ sơ. Nhưng trẻ con sức yếu, cũng không biết cách tự bảo vệ bản thân khi gặp bất trắc, nên nhiều con hoảng sợ quá, gào khóc đến đuối sức, buông tay bị rơi xuống nước. Tôi nhớ là có đâu khoảng 4-5 con đã bị rơi xuống nước, trong đó có bé Khánh Thương bị chìm lúc nước đang dâng rất cao. Thấy vậy, chúng tôi phải lặn ngụp tìm vớt các con lên để đưa tới chỗ an toàn. Tất cả 4 cô giáo chúng tôi đều xác định, phải làm tất cả mọi cách để cứu được các con, dẫu như bản thân mình có gặp điều tồi tệ nhất”, cô Thái Thị Tuyết Hồng kể.
“Chúng tôi xác định thà cô chết chứ không để học trò chết. Phải làm tất cả mọi thứ dẫu khó khăn, nguy hiểm nhất, để đảm bảo an toàn cho các con”, đó là lời khẳng định của cô Nguyễn Thị Hòa, hiệu phó. Và điều này đã được chứng minh bằng thực tế.
Còn cô Lê Thị Kim Hằng chia sẻ: “Lúc đó phụ huynh không phải không dám vào cứu con, nhưng vì nước quá lớn, chảy xiết, nếu bơi vào thì rất nguy hiểm. Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều phụ huynh đến nhà chúng tôi khóc, nói họ cũng như lửa đốt, muốn vào cứu con mà lực bất tòng tâm. Còn động lực nào mà cố cứu cháu ư? Lúc đó trong suy nghĩ chỉ là phải cứu cho được các cháu thôi, phải làm mọi cách. Mình mà lo cho mình thì các cháu nhỏ làm sao sống được. Bốn cô giáo chúng tôi động viên nhau là trò sống cô sống, trò chết thì cô cũng chết!”.
Càng gần về chiều, nước càng dâng cao, các học sinh không thể tự bám vào các thanh ngang cửa sổ được nữa. Các cô nghĩ ra cách kê cao bàn ghế để các cô đứng lên, làm điểm tựa để các trò một chân đứng lên vai cô, một chân đứng lên còn tay thì bám vào các thanh ngang cửa sổ. Nước dâng cao đến đâu thì các cô lại tiếp tục kê cao bàn ghế cao thêm đến đó. Lúc đỉnh điểm, nước dâng gần lút đầu người lớn, cô trò lúc này chỉ biết nhìn nhau mà khóc…
“Nếu nước tiếp tục dâng thêm thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng may là giữa lúc nguy nan nhất thì lực lượng cứu hộ đã đến để đưa các cô trò lên chiếc thuyền làm bằng cái mai rùa đồ chơi của trường thoát ra ngoài. Chúng tôi khóc vì quá mừng!”, cô Hòa nhớ lại.
Như vậy là sau hơn 3 giờ chống chọi với thiên tai trong tình cảnh vô cùng ngặt nghèo, nguy cấp, 4 cô giáo Võ Thị Thu Sương (hiệu trưởng), Nguyễn Thị Hòa (hiệu phó) cùng 2 giáo viên Thái Thị Tuyết Hồng và Lê Thị Kim Hằng đã cứu thành công 13 học trò mầm non 4-5 tuổi.
Được biết, cả 4 cô giáo mói trên đều đã gắn bó với nghề hơn 20 năm, gia cảnh khó khăn, nhưng lòng yêu trẻ, yêu nghề thì vẫn luôn chảy bỏng.
Trước câu chuyện đầy cảm động về gương hy sinh cao cả của các cô giáo, ngày 15/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen ngợi và động viên các cô: “Thật cảm động trước suy nghĩ của các cô giáo: “thà cô chết chứ không để trò chết”. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời biểu dương, khen ngợi các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã tham gia cứu giúp các cháu”.