Lá lách
Lá lách nằm ở phía bên trái của bụng, sát với xương sườn. Bao bọc xung quanh lá lách là một lớp mô mỏng như giấy nên dễ dàng bị rách khi bị va chạm, chấn thương mạnh. Máu chảy ra từ lá lách khi xảy ra chấn thương vùng bụng khi mất lớp bao bọc có thể khiến người bệnh tử vong.
Lá lách có hai màu: đỏ đậm và những túi nhỏ màu trắng. Màu đỏ liên quan đến việc lưu trữ và tái tạo tế bào hồng cầu, trong khi đó, màu trắng liên quan đến việc lưu trữ các tế bào bạch cầu và tiểu cầu. Nếu lá lách bị vỡ, có thể phải cắt bỏ nhưng bạn vẫn có thể sống khi thiếu bộ phận này. Các cơ quan khác trong cơ thể sẽ đảm nhiệm hầu hết các chức năng do lách thực hiện.
Điều này do gan đóng vai trò trong việc tái tạo tế bào hồng cầu và các mô bạch huyết khác trong cơ thể sẽ đảm nhiệm chức năng miễn dịch của lá lách. Tuy nhiên, vì chức năng của lá lách giúp bảo vệ chống lại nhiễm trùng nên khi mất đi lá lách, người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, đặc biệt là sau khi mổ.
Dạ dày
Dạ dày thực hiện 4 chức năng chính là tiêu hóa bằng cách co bóp để nghiền nát thức ăn, tiết ra acid để phân hủy thức ăn, sau đó hấp thụ và bài tiết. Có những trường hợp phải phẫu thuật cắt bỏ dạ dày của người bệnh vì bệnh ung thư hoặc chấn thương. Bác sĩ sẽ nối trực tiếp thực quản với ruột non. Sau một thời gian phục hồi, bệnh nhân có thể ăn uống được bình thường bên cạnh việc bổ sung vitamin.
Cơ quan sinh sản
Cơ quan sinh sản chính ở nam giới và nữ giới là tinh hoàn và buồng trứng. Nguyên nhân cơ quan sinh sản bị loại bỏ thường do ung thư hoặc chấn thương. Việc cắt bỏ tử cung sẽ khiến phụ nữ không thể sinh con, đồng thời ngừng chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng khi thiếu những bộ phận này, cơ thể con người vẫn sống bình thường. Trường hợp của một phụ nữ mắc Hội chứng Mayer – Rokitansky – Kuster – Hauser hiếm gặp khiến cô sinh ra đã không có âm đạo, không có kinh nguyệt nhưng vẫn có chu kỳ hormon. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ cắt bỏ buồng trứng không bị giảm tuổi thọ và thú vị là ở một số nam giới, việc cắt bỏ tinh hoàn còn giúp họ tăng tuổi thọ.
Đại tràng
Đại tràng là nơi tiếp nhận thức ăn đã được tiêu hóa ở dạ dày và hấp thu từ ruột non chuyển đến. Nó có tác dụng hấp thu muối khoáng và nước từ thức ăn nhờ sự hỗ trợ phân hủy của các vi khuẩn tạo thành các chất thải (phân).
Khi đại tràng bị cắt bỏ, bệnh nhân có thể phải mang một túi bên ngoài để chứa phân. Vì phân không thể di chuyển xuống hậu môn như bình thường, bác sĩ sẽ tạo ra một chỗ thoát, hay hậu môn nhân tạo trên thành bụng. Túi có kích thước bằng bàn tay. Hầu hết mọi người hồi phục sau phẫu thuật và quen với sự xuất hiện của hậu môn giả này.
Túi mật
Là nơi dự trữ mật do gan bài tiết ra. Khi ăn thức ăn, túi mật có chức năng co bóp để đẩy dịch mật qua đường mật vào ruột non giúp tiêu hóa thức ăn. Những nơi lắng đọng bất thường của các thành phần chính trong dịch mật sẽ hình thành nên bùn mật, sỏi mật. Sỏi mật thường gây ra đau đớn, thậm chí làm tắc nghẽn các ống mật. Khi điều này xảy ra, bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt túi mật. Mỗi năm, có khoảng 70.000 người thực hiện thủ tục phẫu thuật này ở Anh.
Ruột thừa
Ruột thừa là một túi mỏng hình con giun dài gắn liền với ruột già. Ruột thừa là nguồn dự trữ vi khuẩn có lợi cho tiêu hóa đặc biệt hữu ích khi cơ thể bị tiêu chảy nặng. Ruột thừa cũng giúp bù đắp lượng vi khuẩn tốt và chống lại sự tấn công của vi khuẩn xấu. Người bị viêm ruột thừa sẽ có triệu chứng đau ở quanh rốn rồi lan sang bụng phải.
Đôi khi người bệnh thấy cơn đau biến mất và cảm thấy mình đã khỏe. Tuy nhiên, nó có thể báo hiệu ruột thừa bị vỡ, chất lỏng thấm vào ổ bụng sẽ gây ra nhiễm trùng và viêm phúc mạc. Trong trường hợp này, người bệnh cần được tiến hành phẫu thuật ngay lập tức để làm sạch khoang bụng nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.
Thận
Hầu hết mọi người đều có hai quả thận nhưng nhiều người vẫn sống sót nếu còn lại một quả, thậm chí không còn quả thận nào nhờ sự giúp đỡ của máy chạy thận nhân tạo. Thận có chức năng lọc máu để duy trì nước và cân bằng điện giải cũng như cân bằng axit – bazơ trong máu. Các chất không cần thiết sẽ được đào thải qua nước tiểu.
Có nhiều lý do khiến phải cắt bỏ một bên hoặc cả hai bên quả thận như thận tổn thương nặng nề do rượu hoặc ma túy, thậm chí bị nhiễm trùng. Nếu người bệnh bị cắt bỏ cả hai quả thận, họ sẽ phải được tiến hành lọc máu. Nếu một người phải chạy thận, tuổi thọ của họ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại máy chạy thận, giới tính, độ tuổi, các bệnh tật khác mà bệnh nhân đang mắc phải. Nghiên cứu gần đây cho thấy một người chạy thận lúc 20 tuổi có khả năng sống thêm 16-18 năm, trong khi đó, bệnh nhân 60 tuổi phải chạy thận chỉ có thể sống được thêm 5 năm.